Những công nghệ đang làm thay đổi diện mạo của các nhà sản xuất (Phần 2)

Công nghệ xe tự lái

Xe tự lái là thành quả của việc tích hợp nhiều công nghệ hiện đại khác nhau, bao gồm Công nghệ nhận diện làn đường, các vật thể như đèn giao thông, các phương tiện khác và người đi bộ được xây dựng trên nền tảng OpenCV; Công nghệ Neural Network áp dụng máy móc tự học (Machine Learning) để giúp xe tự cải thiện cách di chuyển theo quỹ đạo đã được OpenCV nhận dạng; và Công nghệ tích hợp lái điện sử dụng các vi mạch như Arduino, Raspberry Pi, giúp điều khiển quá trình đánh lái của xe theo dữ liệu thu thập được ở trên.

Ngoài ra, xe tự lái cũng sử dụng hệ thống cảm biến, laser, ra-đa, camera và công nghệ GPS để phân tích những vật thể xung quanh xe, nhờ đó giảm rủi ro xảy ra tai nạn. Theo NHTSA và một số hãng xe đã thử nghiệm cho các xe có thể nói chuyện với nhau. Đây là công nghệ tương tác xe với xe, đang được thử nghiệm ở trung tâm công nghệ của GM ở Warren, Mich. Ở một bãi đỗ xe rộng, các kỹ sư của GM để người điều khiển chạy qua hai xe đều trang bị công nghệ GPS và một bộ phát Wi-Fi nhỏ. Công nghệ GPS để xác định ví trị và bộ phát Wi-Fi để xe có thể “nói chuyện” với xe khác. Chiếc xe đã cảnh báo người lái khi có phương tiện phanh gấp trước mặt, ở điểm mù hoặc đang tiến đến từ một góc khuất. Không giống như ra-đa và camera, công nghệ V2V không dùng ánh sáng để giao tiếp mà là bộ phát sóng. Chi phí cho bộ phát sóng rẻ hơn so với các thiết bị phần cứng dùng trong các hệ thống cảnh báo an toàn hiện nay.

Theo Nady Boule, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển R&D của GM, những chiếc xe bán tự động còn lái tốt hơn nhiều so với người lái ở nhiều khía cạnh. Không giống như con người, xe có thể liên tục giám sát tất cả các bên xe, phản ứng gần như ngay lập tức và không thể bị phân tâm. Đồng thời việc lái xe cũng hiệu quả hơn. Một nghiên cứu gần đây trong một hội thảo của Học viện Kỹ sư Điện và Điện tử Mỹ ước tính, một chiếc xe với các cảm biến giúp tăng khả năng lái xe trên đường cao tốc lên 43%. Nếu các xe có thể nói chuyện với nhau, con số này tăng lên một cách đáng kinh ngạc là 273%.

Máy bay không người lái

Drone là một thuật ngữ dùng để chỉ những loại thiết bị bay có thể được thao tác từ xa hoặc điều khiển tự động không người lái. Drone có thể chụp lại những nơi con người chưa thể chạm chân tới, các khu vực nguy hiểm, phát sóng các trận đấu thể thao, chụp trên góc độ các loài vật như chó, chim, côn trùng, hay phát sóng thời gian thực của VR (virtual reality). Trong công nghiệp, Drone có thể được sử dụng để quan sát hoạt động sản xuất tại những nơi nguy hiểm, chụp ảnh hiện trước và dò tín hiệu âm thanh để cảnh báo sự cố, xây dựng mô hình 3d cho đối tượng thao tác…

Lấy ví dụ tại Ford, tập đoàn này đã bắt đầu sử dụng máy bay không người lái để giúp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra rủi ro trên thiết bị của trong nhà máy Dagenham. Công ty đang hưởng lợi lớn từ việc này: Thời gian kiểm tra thiết bị đã giảm từ 12 giờ xuống còn 12 phút cho mỗi lần kiểm tra, rủi ro về mất an toàn lao động cũng được hạn chế tới mức tối đa. Không những thế, Drone cũng cung cấp tư liệu hình ảnh chi tiết về thay đổi của từng thiết bị, nhờ đó người vận hành có thể dự đoán sự cố có thể xảy ra và thực hiện bảo trì dự phòng. Việc này đã tiết kiệm đáng kể chi phí giải quyết sự cố cho tổ chức.

Có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ hiện đại đã mang lại nhiều lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, không phải theo cấp số cộng mà là cấp số nhân. Diện mạo sản xuất của doanh nghiệp cũng đang thay đổi từng ngày song song cùng tốc độ phát triển của công nghệ.

Văn phòng NSCL tổng hợp

Tin mới