Bằng cách áp dụng phương pháp tập thể dục giữa giờ làm việc, nhiều công ty Nhật Bản hy vọng năng suất lao động của nhân viên sẽ tăng lên đáng kể.
Cứ vào khoảng 13h hàng ngày, một nhóm các nhân viên trong một công ty ở Tokyo (Nhật Bản) lại rời bàn làm việc khoảng vài phút để tập một số động tác thể dục theo nhịp đếm hướng dẫn vang lên từ radio: “Ichi, ni, san (một, hai, ba)”. Tập thể dục giữa giờ đang dần trở nên phổ biến tại các công ty ở Nhật Bản.
Các nhân viên của tập đoàn Adoc International cũng đang tập “rajio taiso”, một bài thể dục phổ biến thường được dạy trong các trường học và bắt đầu từ những năm 1920 tại Nhật Bản.
“Chúng tôi đã chọn rajio taiso vì đó là cách đơn giản nhất để thực hiện”, ông Clifton Lay, người làm việc tại bộ phận nhân sự của Adoc International, nói.
Ông Lay nói thêm: “Hầu hết người dân Nhật Bản và những người dân sinh sống tại đây đều biết bài thể dục này và tập chúng rất dễ dàng.”
Hướng dẫn bài tập rajio taiso 3 phút cũng được phát hàng ngày trên đài phát thanh NHK với các phiên bản khác nhau để giữ gìn sức khỏe cho người già và người tàn tật.
Trong khi đó, tập đoàn chuyên sản xuất ôtô Toyota có bài thể dục nội bộ của riêng mình, còn các nhân viên của Sony – từ các nhân viên lắp ráp cho đến các giám đốc điều hành hàng đầu – đều tham gia vào một nhóm tập thể dục vào lúc 15 giờ chiều mỗi ngày, mặc dù nó không bắt buộc.
Còn tại công ty thương mại điện tử Rakuten, khoảng 12.000 bàn làm việc cơ động đã được lắp đặt khi họ chuyển trụ sở chính. Người lao động có thể chuyển đổi giữa tư thế đứng và ngồi trong suốt cả ngày.
Kỹ sư 35 tuổi Liu Xiaolu tại Rakuten, cho hay: “Tôi cảm thấy mệt mỏi khi ngồi quá lâu, vì vậy rất thú vị khi có thể đứng dậy”.
Giải thích về việc ngày càng có nhiều công ty tập trung nâng cao sức khoẻ cho nhân viên, ông Koichiro Oka, Giáo sư khoa học về sức khoẻ tại Đại học Waseda, Tokyo cho biết: “Nếu bạn nghĩ rằng không cần phải di chuyển nhiều vào các ngày trong tuần bởi vì bạn sẽ tập thể dục vào cuối tuần là bạn đang sai lầm”.
Giáo sư Oka giải thích thêm: “Việc thiếu tập thể dục trong tuần có thể dẫn đến bệnh tim, tiểu đường và các vấn đề về sức khoẻ khác”.
“Dân số Nhật Bản đang nhanh chóng trở nên già đi và số trẻ em ngày càng ít hơn, điều này rất nguy hiểm đối với các doanh nghiệp. Giữ chân nhân viên là một chiến lược quan trọng của công ty. Nhân viên có sức khoẻ tốt đồng nghĩa với một xã hội lành mạnh và một công ty sôi động”, ông Kenichiro Asano, một nhân viên trong nhóm chăm sóc sức khoẻ của công ty thiết bị điện Fujikura cho biết.
Nhật Bản hiện đang phải đối mặt với việc thị trường lao động bị thu hẹp. Quốc gia này cũng là một trong số những nước có dân số già nhất thế giới.
Trong bối cảnh ấy, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản khuyến khích nhân viên tập các hoạt động thể dục giữa giờ để tìm lại cảm hứng làm việc, cũng như làm việc hiệu quả hơn. Các công ty nỗ lực động viên nhân viên giữ sức khỏe tốt, với hy vọng họ sẽ làm việc qua tuổi nghỉ hưu bình thường.
Trong khi đó, Chính phủ Nhật cũng mong muốn người dân mạnh khỏe, trong bối cảnh số lượng người về hưu đang gia tăng cùng với những vấn đề về y tế phát sinh, khiến ngân sách cho hưu trí và dịch vụ công tăng lên.
Nguồn: tuoitrethudo.vn