Dù mới được áp dụng trong thời gian ngắn, mô hình sản xuất tinh gọn Lean đã bước đầu cải thiện được năng suất và giảm lãng phí trong sản xuất của doanh nghiệp (DN). Theo các chuyên gia, việc gắn kết người lao động là yếu tố quyết định sự thành công và bền vững của Lean.
Thay đổi nhỏ, hiệu quả lớn
Ở giai đoạn đầu của Lean, Công ty TNHH Saitex International Đồng Nai đã thực hiện một số cải tiến. Thay vì đưa những mã hàng bất kỳ, công ty đã lựa chọn những mã hàng gần nhau đưa vào cùng 1 chuyền sản xuất; đặt tên cho kệ và vị trí của kệ chứa phụ liệu, đồng thời vẽ sơ đồ kệ gửi tới phòng quản lý, kho; phân loại đỉa quần theo kích cỡ. Chỉ với những cải tiến rất nhỏ này, công ty đã giảm đáng kể thao tác thừa trong sản xuất, giảm lãng phí thời gian trong tìm kiếm và ngưng chuyền khi chuyển đổi mã hàng, quản lý số lượng phụ liệu hiệu quả hơn.
Tương tự, Công ty May TNHH Winners Vina đã áp dụng nguyên lý sơ đồ chuyền Cellular Lean (chia nhỏ các ô, công đoạn và kết nối liên tục trong quy trình sản xuất), sắp xếp lại sơ đồ chuyền may, khu vực là ủi và đóng gói. Kết quả, công ty đã giảm lượng phế liệu; hiệu suất sản xuất tăng từ 60% lên 84%; hàng tồn kho giảm từ 150% xuống 100%. Đặc biệt, khoảng cách vận chuyển trong nhà máy giảm từ 3.814m xuống 192m.
Saitex International Đồng Nai và Winners Vina là 2 trong 14 DN dệt may, da giày đang thí điểm áp dụng Lean thuộc Chương trình năng suất gắn kết với người lao động do Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững (IDH) và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ. Kết quả các DN đạt được sau hơn 1 năm triển khai thực hiện khá khả quan.
Theo ông Đăng Khoa – Trưởng nhóm nghiên cứu về tinh gọn sản xuất của chương trình, việc áp dụng Lean đã giúp một số DN bố trí, sắp xếp nhà xưởng khoa học, tạo thành một quy trình sản xuất khép kín, môi trường làm việc sạch sẽ, kho hàng, nhà xưởng thoáng mát. Hơn nữa, Lean còn giúp cho việc lập kế hoạch, tính toán chính xác các công đoạn phù hợp với tiến độ sản xuất, giảm thiểu nguyên phụ liệu và hàng tồn, từ đó tiết kiệm tối ưu chi phí quản lý, tăng năng suất và chất lượng…
Gắn kết người lao động
Từ thực tế thí điểm áp dụng, Lean phần nào đã chứng minh được tính khả thi, tác động tích cực vào hoạt động của DN. Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng, người lao động là nhân tố quyết định tới sự thành công của Lean.
Bà Vũ Hương- Trưởng nhóm nghiên cứu về gắn kết người lao động của chương trình – đưa ra con số, chỉ 2% số DN áp dụng Lean đạt mục tiêu, 10% DN chuyển đổi Lean thành công. Theo bà Hương, sự gắn kết của nhân viên và ban lãnh đạo DN thiếu chặt chẽ khiến việc thực hiện Lean không sát sao, hiệu quả đạt được không như kỳ vọng. Chi phí chi trả cho người lao động cũng là một yếu tố cấu thành sản phẩm, khi không tối ưu hóa được hiệu suất của người lao động cũng đồng thời gây lãng phí chi phí sản xuất. Do đó, chăm lo và tạo môi trường gắn kết người lao động không chỉ là giá trị vô hình mà thực sự trở thành giá trị hữu hình, góp phần vào sự phát triển của DN.
Kết quả triển khai Chương trình gắn kết người lao động trong ngành dệt may được thực hiện thí điểm tại 4 nhà máy cũng cho thấy, với thời gian thực hiện khoảng 9 tháng, tỷ lệ vắng mặt của người lao động bình quân giảm từ 12,9% xuống 11,49%; tỷ lệ chậm trễ giảm 18%; tỷ lệ dao động lao động giảm 24,29%…
Nguồn: baocongthuong.com.vn