Nhiều giải pháp đổi mới trong sản xuất và quản lý ngành thép được đưa ra tại hội thảo quốc tế về công cụ quản lý để vận hành hoàn hảo do Hiệp hội Thép Việt Nam tổ chức sáng 23/3 có sự tham gia của đại diện các nước như Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.
Trong đó, các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao sự đổi mới của ngành thép Việt Nam.
Đến dự hội thảo tại Việt Nam, doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc đưa ra bức tranh toàn cảnh về đổi mới của Tập đoàn Posco trong ngành thép. Ông Kyoung Hee Park cho biết POSCO luôn đề cao sự sáng tạo với phương châm “tài nguyên là hữu hạn, sức sáng tạo là vô hạn” và áp dụng điều này rộng rãi để phát triển tập đoàn. Tại POSCO các ý tưởng luôn được trao đổi và hiện thực hóa trên cơ sở tính khả thi cao, xây dựng thành dự án và lập kế hoạch trực quan.
Ông Kyoung Hee Park cho biết nhờ có kế hoạch trực quan mà hiệu suất công việc tốt hơn, giảm thời gian làm việc vô ích, tăng công việc tạo giá trị (17%), giảm công việc đột xuất bất ngờ (21%) và nâng cao sự hài lòng về công việc (30-90%). Điểm mấu chốt làm nên thành công của kế hoạch này chính là làm rõ quyền quyết định và có thể thay đổi cấu trúc.
POSCO là tập đoàn lớn của Hàn Quốc, từng trở thành công ty sản xuất thép lớn nhất thế giới năm 2010 khi tính về giá trị thị trường. Sản lượng của công ty này đạt 39,1 triệu tấn thép thô trong năm 2011 và trở thành nhà sản xuất lớn thứ tư trên thế giới. Năm 2012, tập đoàn này xếp vị trí thứ 146/400 tập đoàn, công ty lớn nhất thế giới do tạp chí Fortune bình chọn.
POSCO đã có mặt ở Việt Nam với nhà máy sản xuất đặt tại khu công nghiệp Phú Mỹ II (Bà Rịa- Vũng Tàu) chiếm thị phần khá trong sản lượng tiêu thụ thép trong nước
Đưa ra kinh nghiệm về tiết kiệm năng lượng trong sản xuất thép, đại diện doanh nghiệp Việt Nam được đánh giá cao tại hội thảo quốc tế lần này.
Ông Ngô Tiến Thọ chia sẻ giải pháp áp dụng tại các nhà máy luyện thép bằng lò điện EAF tại Việt Nam đem lại hiệu quả cao đã được công ty Thép Miền Nam (SSC) áp dụng trong 8 năm qua về “Tiết kiệm năng lượng bằng cách phun than vào hotheel của mẻ cuối cùng trước khi ngưng lò- ngưng thời gian cao điểm, ngưng thay lò, ngưng theo và không theo kế hoạch”.
Theo ông Thọ, trong điều kiện sản xuất tại lò điện, ở Việt Nam các nhà máy đều sản xuất ngưng giờ cao điểm, có nhà máy chỉ chạy vào ca đêm, việc sản xuất không liên tục này gây ra rất nhiều bất lợi khi bắt đầu sản xuất lại sau thời gian ngưng do lượng xỉ và thép trong lò còn lại từ mẻ trước không hết đã đông cứng và bị oxy hóa, nó không chỉ làm kéo dài thời gian nấu luyện mà còn ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cũng như các tiêu hao khác…
Từ thực tế trên, doanh nghiệp Thép Việt đã đặt ra những dấu hỏi tìm giải pháp hiệu quả nhất và đã thành công.
Trong quá trình sản xuất thép, điều kiện sản xuất như nguyên liệu đầu vào, chất tạo xỉ, oxy, than… luôn thay đổi vì vậy các thông số đạt nước của các mẻ cũng không giống nhau. Doanh nghiệp thép Việt đã đưa ra hội thảo công cụ đánh giá quá trình hiệu quả thông qua khảo sát thực tế với 92 lò điện EAF được các nước đánh giá cao.
Tại hội thảo, có nhiều kinh nghiệm quý được các doanh nghiệp các nước đưa ra như kinh nghiệm về sự vận hành nhà máy thép hoàn hảo của Úc; cách sử dụng thép là vật liệu thân thiện với môi trường của Nhật Bản hay công cụ áp dụng để cải thiện chất lượng sản xuất và quản lý đến từ doanh nghiệp thép của Đài Loan.
Ông Chu Đức Khải, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, hội thảo quốc tế về công cụ quản lý ngành thép lần này là dịp để các doanh nghiệp thép trong nước có dịp cọ xát, học hỏi kinh nghiệm của các tập đoàn, công ty thép lớn đến từ Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, qua đó có những áp dụng thực tế để phát triển nhà máy trong nước.