Ngành than: Khoa học và công nghệ giữ vai trò then chốt

Cùng với việc tăng sản lượng khai thác, bảo đảm an toàn cho người lao động, giảm thất thoát tài nguyên đang là mục tiêu hàng đầu của ngành than. Vì vậy, việc đầu tư, đổi mới, áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) được xác định là yếu tố then chốt trong thời gian tới.

Nâng công suất, giảm chi phí

Theo Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), KH&CN giữ vai trò then chốt cho sự phát triển bền vững, từng bước đưa công nghiệp khai thác than – khoáng sản trở thành ngành có trình độ công nghệ tiên tiến. Theo đó, từ năm 2009, Tập đoàn đã xây dựng Quỹ Phát triển KH&CN. Từ nguồn quỹ này, Tập đoàn đã xây dựng chương trình KH&CN trọng điểm dài hạn, trong đó đề cập đến nhiều vấn đề cần giải quyết như: Hiện đại hóa các mỏ than và khoáng sản; phát triển công nghệ sàng tuyển, chế biến sâu khoáng sản; phát triển sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng…

Đánh giá về hoạt động KH&CN ngành than, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc nhận định, việc đầu tư, đổi mới công nghệ đã góp phần tăng sản lượng than khai thác bình quân 14%/năm. Nổi bật nhất, tỷ lệ cơ giới hóa trong khai thác hầm lò đã tăng vượt bậc từ 10% lên 80% trong những năm qua. Các nghiên cứu ứng dụng cơ giới hóa trong khai thác than hầm lò, chế tạo giàn chống thủy lực di động 2ANSHA đã nâng công suất khai thác cao gấp 2 lần, chi phí/mét lò thấp hơn 7 lần và tổn thất giảm 16%.

Ông Trần Việt Hòa – Vụ trưởng Vụ KH&CN (Bộ Công Thương) – cho biết, trong lĩnh vực khai thác than, đã có nhiều công trình, dự án KH&CN có tính ứng dụng cao trong thực tiễn. Ví dụ, thông qua Dự án “Nghiên cứu chế tạo thiết bị, công nghệ thi công đào giếng và trục tải giếng đứng ứng dụng cho mỏ than hầm lò Núi Béo”, lần đầu tiên Việt Nam tiếp cận, làm chủ công nghệ tiên tiến này, tăng tính chủ động trong đáp ứng nhu cầu khai thác của ngành than, giảm chi phí tư vấn, thiết kế khoảng 30% so với chi phí thuê nước ngoài; góp phần nội địa hóa 2/3 giá trị, giảm 17 – 20% giá thành so với thiết bị nhập khẩu.

Làm chủ công nghệ tiên tiến

Hiện, Bộ Công Thương đang phối hợp cùng Bộ KH&CN và các đơn vị ngành than xây dựng các nhiệm vụ lớn nhằm làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo một số thiết bị khai thác, chế biến than, giảm chi phí sản xuất, giảm phụ thuộc nhập khẩu trang thiết bị khai thác than như: Nghiên cứu lựa chọn công nghệ tiên tiến trong khai thác bể than Đồng bằng sông Hồng; nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống các thiết bị phục vụ cơ giới hóa – tự động hóa trong đào lò, khai thác và vận chuyển than tại các mỏ than hầm lò vùng Quảng Ninh.

Ông Kiều Kim Trúc – Phó trưởng Ban Khoa học công nghệ thông tin và Chiến lược phát triển (TKV) – thông tin thêm, giai đoạn đến năm 2020, TKV định hướng tập trung vào 6 chương trình KH&CN trọng điểm là: Cơ giới hóa, hiện đại hóa các mỏ than và khoáng sản; thiết kế, chế tạo, nội địa hóa các sản phẩm cơ khí, thiết bị điện; phát triển công nghệ tuyển, chế biến sâu than – khoáng sản; nghiên cứu về an toàn, môi trường, điều kiện tự nhiên, vật liệu và hóa chất; tin học hóa, tự động hóa sản xuất, phát triển và tiết kiệm năng lượng; nâng cao năng lực quản lý và tăng cường tiềm lực KH&CN của tập đoàn.

Để thực hiện các chương trình này, TKV chú trọng xây dựng chính sách thu hút, đãi ngộ, phát triển đội ngũ cán bộ, chuyên gia giỏi làm công tác nghiên cứu KH&CN; tạo điều kiện để các nhà khoa học chủ động nghiên cứu, đề xuất với tập đoàn các nhiệm vụ KH&CN thiết thực, có tính ứng dụng cao; đẩy mạnh nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị, phụ tùng cơ khí phù hợp với dây chuyền công nghệ sản xuất nhằm tăng cường nội địa hóa sản phẩm, tiến tới tự chủ sản xuất một số thiết bị, công nghệ chính phục vụ sản xuất.

Nguồn: baocongthuong.com.vn

Tin mới