Ngành nhựa trước sức ép cạnh tranh

Ngành nhựa Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng đứng thứ 2 Đông Nam Á. Nhiều sản phẩn xuất sang các nước trên thế giới trong đó nhiều nhất là xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật. Mặc dù vậy, giá trị mang lại chưa cao và đang đứng trước sức ép cạnh tranh lớn của hàng nhựa các nước trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan. Sự cạnh tranh này xảy ra ngay trên thị trường nội địa, ở các mặt hàng nhựa gia dụng. Phần lớn các sản phẩm ngành nhựa là sản phẩm nhựa tiêu dùng. Tuy nhiên, ở ngành hàng này đang có sức ép cạnh tranh của hàng nhựa tiêu dùng Thái Lan. Một hình ảnh thường gặp ở các hội chợ hàng tiêu dùng Thái Lan là có rất đông người tiêu dùng trong nước quan tâm đến đồ nhựa Thái Lan. Hàng nhựa Thái Lan đã có mặt ở thị trường Việt Nam từ khá sớm và đã tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng bởi chất lượng, mẫu mã và giá không quá đắt. Chính vì vậy rất dễ hiểu tại sao hàng nhựa Việt dần bị mất thị trường ngay trên sân nhà. Bề nổi là các mặt hàng nhựa gia dụng Thái Lan ngày càng nhiều trên thị trường, cạnh tranh với các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng đằng sau đó là những chiến lược lớn hơn của các doanh nghiệp Thái Lan. Một trong số đó là việc thâu tóm và mua lại các hệ thống siêu thị bán lẻ lớn như chuỗi siêu thị Metro. Hay các thương vụ mua bán các Công ty lớn trong ngành nhựa điển hình là 80% cổ phần của CTCP Bao bì nhựa Tín Thành (Batico) đã được mua lại bởi SCG, một doanh nghiệp Thái Lan. Trước đó, SCG đã mua trên 20,4% cổ phần của CTCP Nhựa Bình Minh và 23,84% cổ phần của CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong. Trong đó hai doanh nghiệp này hiện đang chiếm 50% thị phần ống nhựa xây dựng tại Việt Nam. Ngoài ra SCG còn nắm giữ cổ phần của 4 doanh nghiệp nhựa Việt Nam khác nữa. Ngoài việc mua bán, sát nhập các doanh nghiệp Thái còn đẩy mạnh đầu tư vào các nhà máy sản xuất ở Việt Nam như Srithai Superware PLC với mặt hàng nhựa gia dụng và sơn với tổng vốn đầu tư lên đến 20 triệu USD tại khu công nghiệp Sóng Thần, tỉnh Bình Dương. Thực tế là các doanh nghiệp nhựa Việt Nam vẫn đang cạnh tranh ở phân khúc thấp, rào cản lớn nhất vẫn là rào cản kỹ thuật. Năng lực sản xuất, máy móc, công nghệ lạc hậu làm chất lượng sản phẩm không cao, cạnh tranh kém. Nhiều doanh nghiệp chưa dám mạnh dạn đầu tư, tới 70% máy móc là máy cũ nhập khẩu từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, hơn 80% doanh nghiệp nhựa trong nước là doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô gia đình. Có điểm thuận lợi đó là các doanh nghiệp này khá năng động trong việc tìm kiếm thị trường và mẫu mã sản phẩm. Tuy nhiên trong khâu sản xuất từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm, không có sự chuyên biệt hóa bên ngoài, do vậy chất lượng sản phẩm không ổn định, giá trị gia tăng thấp. Hơn nữa, khi các hiệp định thương mại quốc tế có hiệu lực, rào cản thuế quan được gỡ bỏ, nhưng áp lực cạnh tranh sẽ cao hơn rất nhiều. Đâu là giải pháp cho ngành nhựa và các doanh nghiệp nhựa Việt Nam? Ông Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế ứng dụng TPHCM đề xuất: Cần quy hoạch các doanh nghiệp nhựa về một khu tập trung, xây dựng mô hình sản xuất chuỗi nhằm tối thiểu hóa hao phí sản xuất,  giảm chi phí vận tải đồng thời tăng cường hợp tác và hỗ trợ giữa các doanh nghiệp. Bởi hiện nay trong số khoảng 300 DN đang sản xuất mặt hàng nhựa tiêu dùng chỉ khoảng 10 DN có quy mô sản xuất lớn, đầu tư chuyên sâu, có sản phẩm đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng khu vực các thành phố lớn. Bên cạnh đó, ngành nhựa cần tập trung phát triển các thế mạnh hiện có như ngành hàng sản xuất bao bì, đóng gói sản phẩm. Tuy nhiên, để giải quyết được gốc rễ của vấn đề, thay đổi công nghệ sản xuất trong nước mới là điểm mấu chốt. Trong khi các quốc gia trong khu vực đã có những sản phẩm nhựa sinh học thân thiện môi trường thì Việt Nam vẫn đang loay hoay về công nghệ. Ở Việt Nam, nhựa Duy Tân là điểm sáng về đầu tư đổi mới công nghệ, đáng để các doanh nghiệp khác trong ngành học tập. Nhìn chung thị trường nội địa có tiềm năng rất lớn. Mức tiêu thụ nhựa trung bình đầu người hàng năm đều tăng đáng kể từ 16kg/người/năm năm 2006 lên 30kg/người/năm năm 2010 và năm 2013 là 35kg/năm. Theo dự báo của các chuyên gia ngành nhựa, mức tiêu thụ của người dân sẽ tăng lên 45kg vào năm 2020. Tuy nhiên, bài toán công nghệ để tạo ra các sản phẩm giá trị cao với chi phí sản xuất thấp đòi hỏi các doanh nghiệp phải tìm câu trả lời cho riêng mình để có thể đứng vững trên thị trường.

Văn phòng NSCL (tổng hợp)

Tin mới