Trong thời đại công nghệ internet phát triển bùng nổ như hiện nay, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến đã tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, hạn chế của mua hàng trực tuyến là người mua không được thử sản phẩm nên rất dễ mua phải các sản phẩm may mặc không thực sự vừa vặn và phù hợp. Ngoài ra, một số người tiêu dùng muốn được mặc các sản phẩm mang dấu ấn cá nhân từ kích cỡ, kiểu dáng cho đến màu sắc, điều mà các sản phẩm sản xuất hàng loạt không thể đáp ứng được. Do đó, nhiều công ty may mặc trên thế giới đang tập trung nhiều hơn vào việc cung cấp các sản phẩm tùy biến và tiện ích thử ảo cho người tiêu dùng mua trực tuyến.
Để tạo ra các sản phẩm tùy biến có chi phí thấp, nhà sản xuất sử dụng công nghệ 3D vào khâu thiết kế theo các bước sau:
Bước 1: Dùng máy quét 3D để thu dữ liệu 3 chiều về cơ thể;
Bước 2: Tạo ra mô hình cơ thể 3D bằng cách sử dụng các dữ liệu thu được từ bước 1;
Bước 3: Phát triển các thay đổi của mẫu sản phẩm trên mô hình cơ thể 3D bằng cách sử dụng hệ thống thiết kế CAD.
Ngoài ra, các tính chất của vải được đo đạc và mô phỏng hóa, cho phép nhà thiết kế hình dung được độ rủ của vải thực thông qua loại vải ảo dùng trong thiết kế.
Công nghệ 3D giúp nhà thiết kế tạo ra các sản phẩm tùy biến phù hợp với mọi thông số cơ thể; dễ dàng điều chỉnh các chi tiết, màu sắc, hoa văn, chất liệu trên sản phẩm trong một thời gian ngắn. Do đó tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, nhà thiết kế có thể nhìn rõ từng chi tiết nhỏ nhất trong sản phẩm mà mình sắp sản xuất thông qua tính năng hỗ trợ tầm nhìn nhiều chiều từ công nghệ 3D.
Thử ảo là phương pháp mà ở đó khách hàng có thể chọn sản phẩm may, thử trên người ảo có số đo phù hợp với cơ thể họ. Thử ảo cho phép hình dung được hàng may mặc trong không gian 3 chiều, giúp người tiêu dùng đưa ra quyết định mua hàng trực tuyến một cách dễ dàng hơn.
Công nghệ 3D nói chung và công nghệ 3D trong may mặc nói riêng đang ngày càng phổ biến ở các nước phát triển nhưng việc tiếp cận công nghệ 3D ở các nước kém phát triển hơn như Việt Nam còn gặp trở ngại do giá thành công nghệ khá cao. Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia thì trong thời gian tới đây, công nghệ 3D sẽ được sử dụng nhiều hơn trong ngành may mặc Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành.
Văn phòng NSCL (Tổng hợp)