Việt Nam là quốc gia xuất khẩu sản phẩm gỗ đứng thứ 4 thế giới sau Trung Quốc, Đức và Ý. Tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam năm 2015 đạt 6,9 tỷ USD, tăng 10,7% so với năm trước. Dự kiến năm 2016, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,2-7,3 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng khoảng 8-10%. Tuy nhiên, khi hiệp định TPP có hiệu lực, doanh nghiệp gỗ Việt Nam sẽ đón nhận những thuận lợi và khó khăn như thế nào để tiếp tục giữ được vị thế của mình trên thị trường quốc tế?
Theo số liệu của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu gỗ sang thị trường TPP chiếm gần 58% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Hiện tại trong các nước TPP, Việt Nam xuất khẩu đồ gỗ chủ yếu sang Mỹ và Nhật Bản, và thuế suất của 2 thị trường lớn này đều đã bằng 0%. Vì vậy, tác động từ việc giảm thuế xuất nhập khẩu theo cam kết của TPP không có ý nghĩa nhiều. Mặt hưởng lợi ở đây là, các doanh nghiệp ngành gỗ sẽ chuyển hướng sang nhập khẩu gỗ nguyên liệu trong nội khối TPP với thuế suất bằng 0% để đảm bảo được tính hợp pháp của nguyên liệu. Bên cạnh đó, khi tham gia vào TPP, thương mại nội khối sẽ thuận lợi hơn, các doanh nghiệp trong ngành gỗ dễ dàng tiếp cận được công nghệ mới, từ các quốc gia phát triển, chất lượng hàng hóa được nâng lên tạo ra sự cạnh tranh tốt hơn.
Bên cạnh các cơ hội thì ngành gỗ sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Trước hết, khi TPP có hiệu lực, những quốc gia trong khối này sẽ dựng lên hàng rào kỹ thuật, đặc biệt là Mỹ. Do ngành gỗ Việt Nam còn yếu về năng suất lao động, trình độ công nghệ, quản trị kinh doanh, nên việc đáp ứng được các rào cản kỹ thuật sẽ là không dễ dàng.
Khó khăn tiếp theo là rào cản về tính pháp lý nguồn nguyên liệu, theo đó 100% gỗ xuất khẩu vào các nước trong TPP phải là gỗ hợp pháp. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn đang sử dụng các loại gỗ nguyên liệu không có nguồn gốc rõ ràng. Ngay như gỗ cao su khai thác trong nước, hiện tại việc xác định nguồn gốc cũng chưa chặt chẽ. Các loại gỗ nhập khẩu từ Lào, Campuchia khi xuất khẩu luôn bị cảnh báo về tính pháp lý nguồn nguyên liệu. Một báo cáo nghiên cứu về thực trạng và giải pháp chính sách cho ngành gỗ thu thập được kết quả rất đáng lo ngại là, có đến 70% doanh nghiệp đang tham gia xuất khẩu đồ gỗ vào Hoa Kỳ vẫn chưa áp dụng hệ thống quản lý chuỗi cung ứng, 10% doanh nghiệp xuất khẩu gỗ vào Úc cũng tương tự như vậy.
Một thách thức không nhỏ nữa là ngành gỗ vốn định hướng xuất khẩu từ nhiều năm nay nhưng lại bỏ ngỏ thị trường nội địa. Những chính sách phát triển ngành gỗ nội địa như ưu đãi, thuế… hầu như không có, chất lượng mẫu mã, kênh phân phối kém nên nếu năng lực của ngành gỗ nội địa không cao thì cũng không giúp ích gì khi tham gia vào TPP. Số liệu thống kê cho thấy sức mua nội địa rất lớn, với gần 2 tỷ USD năm 2012, như vậy nếu ngành gỗ không đáp ứng sản phẩm được cho chính thị trường trong nước thì khó có thể cạnh tranh khi gỗ nước ngoài nhập khẩu mạnh vào Việt Nam.
Phần lớn các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam có quy mô sản xuất nhỏ. Để có thể cạnh tranh, các doanh nghiệp cần phải liên kết lại, đáp ứng được chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Đồng thời, các doanh nghiệp cần sớm thực hiện giải pháp nâng cao năng suất lao động, khả năng quản lý, trình độ tiếp thị dịch vụ, …bởi thời kỳ cạnh tranh bằng giá như trước đây sẽ không còn kéo dài, TPP sẽ buộc các doanh nghiệp phải cạnh tranh bằng chất lượng, mẫu mã, giao dịch, kỹ năng thương mại…
Ngoài sự nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp thì nhà nước cũng cần đưa ra những hỗ trợ cho doanh nghiệp về mặt bằng sản xuất, tiếp cận nguồn vốn và cơ chế chính sách thông thoáng để doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh hơn nữa.
Văn phòng NSCL (tổng hợp)