Ngành Dệt may: Nâng cao năng lực cạnh tranh từ giải pháp công nghệ

Trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt, các doanh nghiệp dệt may trong nước phải khai thác tận dụng tối đa các nguồn lực hiện có để tạo ra sức mạnh tổng hợp, hướng tới phát triển ổn định và bền vững, tạo nên thương hiệu khác biệt. Ông Vũ Đức Giang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã nhấn mạnh “nếu không có chiến lược phát triển khoa học công nghệ thì ngành Dệt May Việt Nam sẽ mất dần cơ hội phát triển”. Các quy trình trong Ngành Dệt may được phát triển theo xu hướng tự động hóa như: Ứng dụng thiết bị tự động đổ sợi, vận chuyển ống sợi thô tự động sang máy sợi con, tự động đổ sợi con, tự động vận chuyển ống sợi con sang máy đánh ống sợi, tự động đổ búp sợi đầy trên máy đánh ống sợi.  Hiệu quả đạt được từ tự động hóa quy trình đem lại là giảm thời gian/sản phẩm, nâng cao hiệu suất, cắt giảm chi phí không cần thiết cho lao động, nâng cao chất lượng sợi, bên cạnh đó còn làm giảm số lượng sản phẩm lỗi, tiết kiệm chi phí cho nguyên vật liệu. Bên cạnh đó, việc tiến hành các thí nghiệm để kiểm tra, kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào là rất cần thiết để đưa ra những phương án pha trộn nguyên liệu hợp lý và đạt được hiệu quả kinh tế cao. Việc nghiên cứu phát triển, chế thử tạo những sản phẩm mới có giá trị cao như sợi chi số cao, sợi compact, sợi siro, sợi slub, sợi có lõi đàn tính cao, sản xuất các loại sợi từ xơ tái chế như polyester tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường và hạn chế ô nhiễm. Sử dụng nguyên liệu mới như xơ Modal, viloft, sữa đậu nành, bắp, tre,… tạo ra sản phẩm khác biệt có giá trị cao không những bảo vệ, tiết kiệm tài nguyên môi trường, đem lại lợi ích bền vững mà còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, mở ra thị trường ngách cho Ngành Dệt may trong nước. Trong lĩnh vưc Dệt Nhuộm, chất bột hồ pha chế sẵn được sử dụng nhằm giảm lượng hơi, nước tiêu thụ, giảm thời gian khâu chuẩn bị, đồng thời giảm lượng chất thải đầu ra. Việc sử dụng thiết bị nhuộm có dung tỷ thấp giúp tiết kiệm nước, hóa chất chất trợ, điện, hơi và nhân công. Bằng việc áp dụng kỹ thuật tái sử dụng hơi, nước nóng và đưa vào vận hành các hệ thống khép kín để tái chế hoàn toàn dung môi, các hệ thống định lượng chính xác hóa chất trong xử lý ướt giúp tiết kiệm và sử dụng hợp lý tài nguyên, tạo ra những sản phẩm thân thiện hơn với môi trường và người tiêu dùng. Trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp dệt may đã đầu tư, mở rộng sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại, sử dụng dây chuyền công nghệ hiện đại với trình độ tự động hóa và tính đồng bộ cao nhằm nâng cao hiệu suất, giảm chi phí cho nhân công và giảm nguyên nhiên liệu tiêu thụ. Nhờ đó, ngành Dệt may có thể tăng sức cạnh tranh, giảm lượng chất thải phát sinh, đảm bảo các quy định về môi trường, tạo dựng cơ sở cho sự phát triển ổn định và bền vững.
Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết doanh thu hàng dệt may của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt 14,2 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm dệt may của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong đó doanh thu tại Mỹ đạt 6 tỷ đô la Mỹ (tăng 9% so với năm ngoái), tiếp theo là Liên minh châu Âu với 2,3 tỷ đô la Mỹ (tăng 8%), Nhật Bản với 1,5 tỷ đô la (tăng 12% ) và Hàn Quốc với 1,2 tỷ USD (tăng 18%). Mặc dù tốc độ tăng trưởng còn chậm nhưng thống kê cho thấy sản phẩm dệt may Việt Nam đang dần có chỗ đứng trên thị trường thế giới.

Văn phòng NSCL tổng hợp

Tin mới