Trong vài năm gần đây, sản phẩm, hàng hóa của các DN dệt may đã cải thiện nhiều về năng suất, chất lượng cũng như sự hài lòng của khách hàng. Tuy nhiên, so với một số quốc gia dệt may hàng đầu trong khu vực và trên thế giới, năng suất nói chung và năng suất lao động nói riêng vẫn còn khoảng cách. Các công cụ cải tiến năng suất chất lượng là yếu tố then chốt để ngành dệt may nước ta có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của mình và hướng tới phát triển doanh nghiệp một cách bền vững.
Năng lực sản suất của một doanh nghiệp có thể bị chi phối bởi một số yếu tố ngoại vi như tình hình thị trường, cơ chế chính sách,… hay các yếu tố nội tại như nguồn lao động, vốn, công nghệ, tình hình và khả năng tổ chức quản lý sản xuất. Trong số trên, các yếu tố nội tại là những điều mà doanh nghiệp có thể ngay lập tức cải thiện thông qua các công cụ cải tiến năng suất chất lượng. Đối với ngành dệt may, các công cụ như 5S, Kaizen, Lean, TPM, KPI, MFCA, BSC, ISO… từ lâu đã trở thành những giải pháp giúp doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, loại bỏ những khuyết điểm, giảm lãng phí không đáng có nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao vị thế và uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.
Nhìn chung, may là công đoạn mà ngành dệt may nước ta đang có lợi thế. Năng suất chất lượng sản phẩm may của một số đơn vị trong ngành có thể tương đương với một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới xét trên góc độ cùng công nghệ sử dụng. Tuy nhiên, xét về tổng thể thì năng suất ngành may của Việt Nam mới chỉ đạt mức trung bình khá do sự khác biệt về mức độ tự động và chuyên dùng của thiết bị, tay nghề của người lao động cũng như trình độ quản lý của DN. Chẳng hạn như năng suất của sơ mi đạt 17-35 sơ mi/lao động/ca làm việc; Quần âu đạt 14-25 SP/lao động/ca làm việc. Điều này cho thấy năng suất lao động của các đơn vị sản xuất hàng may mặc của Việt Nam có sự chênh lệch khá lớn và đây cũng chính là cơ hội để nâng cao năng suất. Các đơn vị có năng suất thấp có thể học hỏi kinh nghiệm về kỹ thuật đầu tư, quản lý sản xuất, thị trường… từ những đơn vị có năng suất cao. Bên cạnh đó, các công nghệ mới cũng là lựa chọn tốt đối với các nhà đầu tư có mong muốn đưa sản phẩm dệt may của mình ra cạnh tranh với các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới.
Đối với vấn đề nâng cao năng lực quản lý, các doanh nghiệp có thể tích hợp áp dụng các hệ thống quản lý như ISO 9001, ISO 14001, SA8000, WRAP, ISO/IEC 17025, ISO 50001, ISO 26000… cùng hệ thống các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm và phương pháp thử của châu Âu (EN), của Mỹ (ASTM, AATCC), của Nhật Bản (JIS) hay tiêu chuẩn quốc tế ISO… nhằm chuyên môn hóa hoạt động sản xuất của mình. Áp dụng các công cụ cải tiến như 5S, Lean, TPM sẽ giúp doanh nghiệp đảm bảo nhà xưởng luôn thông thoáng, sạch sẽ, giúp xây dựng một môi trường làm việc thoải mái cho công nhân; vật dụng được đặt ở nơi dễ lấy, dễ sử dụng; giúp doanh nghiệp giảm các lãng phí về thời gian, không gian di chuyển và luôn đảm bảo tính sẵn sàng của máy móc, từ đó hạn chế được những sự cố bất ngờ trong quá trình làm việc, đảm bảo an toàn lao động, đồng thời tiết kiệm được nguồn nhân lực và thời gian sản xuất.
Chia sẻ về vấn đề nâng cao năng suất chất lượng ngành dệt may, PGS – TS Phạm Hồng – UVTV Liên hiệp hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội cho biết: Giải pháp nâng cao hiệu quả cho các doanh nghiệp khi áp dụng các công cụ cải tiến thì nên tập trung vào hai việc, thứ nhất là tạo ra được các mô hình điểm, trong quá trình triển khai nhân rộng thì vai trò của tư vấn đối với doanh nghiệp không mang tính “cầm tay chỉ việc” nhiều. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp sẽ chủ động hơn và trong quá tình triển khai tới các mô hình sẽ sâu sát và hiệu quả hơn.
Văn phòng NSCL tổng hợp