Hiện nay kim ngạch xuất khẩu của ngành da giầy là khoảng 15 tỉ USD mỗi năm, với tỉ lệ nội địa hóa là 50 – 55%. Các doanh nghiệp ngành da giày vẫn đang phải chịu áp lực lớn khi phụ thuộc nhiều vào nguyên phụ liệu nhập khẩu. Thống kê từ Tổng Cục Hải quan cho thấy, 6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu da giày đạt 6,27 tỷ USD (tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2015). Xuất khẩu nhiều nhưng số lượng nhập khẩu nguyên phụ liệu cũng không ít, với kim ngạch nhập khẩu tính đến hết tháng 6/2016 là 2,6 tỷ USD. Hầu hết các nguyên liệu chính để sản xuất giày da đều phải nhập khẩu như da thuộc, giả da do không đủ khả năng cung ứng trong nước. Mặc dù đây là một trong những ngành hàng xuất khẩu đứng đầu cả nước, tuy nhiên, trong thời gian tới cần nâng cao tỉ lệ nội địa hóa nhằm tăng sức cạnh tranh trên trường quốc tế.
Trong Quy hoạch phát triển ngành da giầy, mục tiêu tới năm 2020 xuất khẩu đạt mức 20 tỉ USD, và 35 tỉ USD vào năm 2025; cùng với đó là tỉ lệ nội địa hóa đạt mức 75 – 80% vào năm 2020. Để đạt được các chỉ tiêu này ngành tập trung vào phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho sản xuất da giầy đó là sản xuất nguyên phụ liệu như là quy hoạch xây dựng các khu/cụm công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu, các khu chuyên sản xuất vật liệu để kêu gọi đầu tư. Việc xây dựng khu/cụm công nghiệp tập trung cũng nhằm giải quyết được vấn đề xử lý môi trường một cách tập trung cho ngành thuộc da. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã xây dựng Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ, (Nghị định số 111/2015/NĐ-CP do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 03 tháng 11 năm 2015) trong đó có ngành da giày với nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư khi tham gia vào lĩnh vực này. Cụ thể, trong danh mục của Nghị định, các sản phẩm da giày được ưu tiên phát triển gồm: da thuộc, vải giả da, mũ giày, đế giày, hóa chất, thuộc da, chỉ may giày, keo dán giày, đồ trang trí… Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để hỗ trợ các ngành công nghiệp trọng yếu của đất nước trong đó có da giày. Tuy nhiên để nâng cao tính pháp lý của Nghị định, Bộ Công Thương đang xây dựng thành Luật để triển khai hiệu quả các chính sách vào cuộc sống.
Cùng với những chủ trương, tạo hành lang pháp lý cho công nghiệp phụ trợ cho ngành da giầy, Việt Nam đã chủ động tham gia vào chuỗi cung ứng cho các thương hiệu lớn như addidas, Nike … và được đánh giá cao là có lợi thế hơn so với các quốc gia khác trong khu vực về nguồn nhân lực lao động. Theo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, từ năm 2016, khi Việt Nam tham gia vào các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc và đặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) … lộ trình đến năm 2018 sẽ thực hiện việc xóa bỏ mức thuế hiện tại từ 17 – 45% về 0%, sẽ giúp ngành da giày tăng trưởng XK. Đặc biệt, lộ trình cắt giảm thuế của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN cuối năm 2015, thuế suất đối với xuất khẩu giầy dép vào Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ về 0%. Đây sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia đầu tư vào ngành da giày Việt Nam.
Hiện tại, ngành da giầy nhiều năm liền luôn là ngành hàng xuất khẩu mũi nhọn, duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 15 – 18% mỗi năm. Hi vọng, trong thời gian tới, với những chính sách của nhà nước, ngành da giầy sẽ tiếp tục phát triển, đạt và vượt mục tiêu Quy hoạch đề ra.
Văn phòng NSCL (tổng hợp)