Ngành Công thương ứng dụng giải pháp nâng cao năng suất chất lượng

Nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khách hàng, nhiều doanh nghiệp đã nghiên cứu, xây dựng và triển khai thành công các mô hình quản lý, cải tiến năng suất.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng, yêu cầu thị trường về chất lượng ngày càng cao, cạnh tranh ngày càng gay gắt, vai trò của cải tiến năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm đã được các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rõ ràng.

Cùng sự hỗ trợ của Chính phủ trong chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” (Chương trình 712), nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực không ngừng nhằm nghiên cứu, cải tiến công nghệ, quy trình sản xuất và trở thành mô hình điểm về nâng cao năng suất chất lượng.

Công ty TNHH may Hưng Nhân sau khi áp dụng phương pháp quản trị tinh gọn LEAN, năng suất chuyền may trung bình tăng từ 25 – 35%, một số chuyền may tăng từ 35 – 40%, tỷ lệ hàng lỗi giảm từ 30% xuống còn 15%. Chất lượng sản phẩm cải thiện rõ rệt.

Công ty cổ phần Ống thép Việt Đức nhờ đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất, công nghệ hiện đại, đồng thời áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 và mô hình 5S, đã khẳng định được vị trí top 4 doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ ống thép trong nước lớn nhất tại Việt Nam. Tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường châu Âu trên 50%. Các sản phẩm của thép Việt Đức đều đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

Ngành điện trong những năm qua cũng đã có những thay đổi đáng kể nhằm phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn. Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội đã hiện đại hóa phương thức tương tác với khách hàng thông qua việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Nhờ đó, tư vấn viên giảm áp lực trong công việc, giảm thiểu tối đa thời gian chờ đợi của khách hàng khi cần hỗ trợ.

Thực tế chứng minh, việc ứng dụng các mô hình quản lý sản xuất theo Chương trình 712 có thể giúp các doanh nghiệp cải thiện năng suất từ 15 – 20%. Cùng với đó, tư duy, nhận thức về sản xuất của mọi người từ lãnh đạo đến cán bộ nhân viên và người lao động đều thay đổi.

Với những thành công hiện hữu ở các mô hình điểm, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam chủ động thay đổi, tìm kiếm, ứng dụng các mô hình, giải pháp cải tiến, công nghệ hiện đại, từ đó thúc đẩy năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây cũng là tiền đề cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam. 

Vụ Khoa học & Công nghệ

Tin mới