Trước làn sóng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp nước ta cần chú trọng hơn đến việc đổi mới công nghệ, bởi đây chính là yếu tố mấu chốt góp phần nâng cao lực cạnh tranh của doanh nghiệp, giảm chi phí sản xuất cũng như đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.
“Một nhà máy Nike của Mỹ có thể làm ra 1 triệu sản phẩm/năm chỉ với 16 lao động, còn Việt Nam thì sao?”
Đây là câu hỏi được đặt ra bởi ông Nguyễn Đức Thuấn, Giám đốc tập đoàn TBS và cũng đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso). Chia sẻ tại một diễn đàn gần đây, ông Thuấn nhấn mạnh: Những doanh nghiệp trong ngành da giày nói riêng và các ngành khác nói chung, nếu muốn ăn sâu vào chuỗi toàn cầu, buộc phải thay đổi.
Thực tế nước ta hiện nay, số doanh nghiệp hiểu được tầm quan trọng của đổi mới công nghệ (ở đây là công nghệ 4.0) vẫn còn khiêm tốn, do đó không nhiều doanh nghiệp lựa chọn ứng dụng các thành tựu 4.0 tại tổ chức của mình. Theo chia sẻ của ông Thuấn, nhiều doanh nghiệp Việt dù nhắc nhiều đến công nghiệp 4.0 nhưng thực sự không hiểu cụ thể nó là gì, trong khi, thế giới đang đi rất nhanh. Từ đây có thể thấy, để nâng cao năng lực cạnh tranh và vươn tầm ra thị trường thế giới thì đổi mới công nghệ là hướng đi tất yếu.
Không còn nhiều thời gian
Theo Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam, Việt Nam là quốc gia kinh doanh và sản xuất giày da quan trọng trên thế giới, trở thành đối tác chiến lược với các thương hiệu giày da danh tiếng như: Nike, Adidas, The North Face, Timberland, Columbia… Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu ngành da giày Việt Nam sẽ đạt 20 tỷ USD trong năm 2018 nếu các DN biết tận dụng tốt Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU, CPTPP; đồng thời đầu tư chiều sâu cho máy móc, công nghệ.
Mặc dù được đánh giá là liên tục tăng trưởng nhưng nếu xét riêng khu vực và đối tượng DN, ngành da giày đang có sự thay đổi rõ rệt. Cụ thể, về khu vực, trước đây ngành sản xuất da giày của TP. Hồ Chí Minh phát triển rất mạnh nhưng nay đã có sự chậm lại. Nguyên nhân được ông Nguyễn Bình An – Tổng thư ký Hiệp hội Bông sợi Việt Nam – chỉ ra rằng, TP. Hồ Chí Minh không còn dư địa để phát triển dệt may, da giày, bởi đây là ngành đòi hỏi sử dụng nhiều lao động. Trong khi, TP. Hồ Chí Minh lại không phải là nơi để cung cấp quá nhiều lao động, vì thế các DN đang chuyển nhà máy sản xuất qua các nơi khác như miền Trung, phía Bắc…Bên cạnh đó, các DN trong nước cũng đang chịu áp lực bất lợi cần khắc phục là hạn chế về năng suất do hệ thống dây chuyền thiết bị, máy móc ngành da giày đang dần trở nên lạc hậu.
Để vượt qua khó khăn, ông Thuấn đã đưa ra đề xuất ngay trong năm 2018: “Phải thay đổi ngay từ các trung tâm nghiên cứu phát triển tổ chức sản xuất, phải tìm cách đưa 4.0 vào”. Theo ông, việc phát triển công nghệ 4.0 cho ngành da giầy phải dựa trên 4 trụ cột: Dữ liệu (Data) doanh nghiệp – Trí tuệ nhân tạo – Đường truyền – Robot. Bên cạnh sự nỗ lực chủ động từ doanh nghiệp, những nguồn lực hỗ trợ của các cơ quan quản lý cũng là nền tảng vững chắc để ngành da giầy nước ta thực hiện cuộc cách mạng công nghệ một cách toàn diện.
Văn phòng NSCL tổng hợp