Ngành công nghiệp cơ khí hướng tới hệ thống quản lý theo chuẩn quốc tế

Tại Việt Nam, sau khi tiêu chuẩn IATF 16949:2016 chính thức được áp dụng thay thế ISO/TS 16949:2009, nhiều doanh nghiệp trong ngành sản xuất ôtô đã chuyển đổi thành công.

IATF 16949:2016 là tiêu chuẩn quản lý chất lượng đặc thù của ngành công nghiệp ôtô và các nhà sản xuất linh kiện liên quan. IATF 16949:2016 kết hợp nhiều tiêu chuẩn chất lượng trong một quy trình chứng nhận, giúp doanh nghiệp không phải tiến hành nhiều thủ tục chứng nhận tốn thời gian.

Tháng 10/2016, tiêu chuẩn IATF 16949:2016 được áp dụng vào doanh nghiệp thay thế tiêu chuẩn ISO/TS 16949:2009. Đây là thời điểm đánh dấu sự phát triển của hệ thống quản lý chất lượng theo định hướng quy trình, giúp cải thiện liên tục, ngăn ngừa khiếm khuyết, giảm sự biến đổi và lãng phí trong chuỗi cung ứng, đáp ứng hiệu quả yêu cầu của khách hàng.

Tuy ban đầu còn gặp khó khăn trong việc áp dụng bộ tiêu chuẩn mới, đến nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ, lắp ráp ôtô trong nước đã kịp thời hoàn thiện các yêu cầu mà tiêu chuẩn mới đề ra và được cấp chứng chỉ IATF 16949:2016.

Để ứng dụng IATF 16949:2016, ngoài việc đáp ứng các yêu cầu nêu trong tiêu chuẩn, doanh nghiệp phải áp dụng thường xuyên 5 công cụ cốt lõi của ngành sản xuất linh kiện ôtô (5 Core tools): FMEA – phân tích hình thức sai lỗi tiềm ẩn và tác động của các hình thức sai lỗi tiềm ẩn, SPC – kiểm soát quá trình bằng thống kê, MSA – phân tích hệ thống đo lường, APQP – cách thức hoạch định tiên tiến về chất lượng sản phẩm và kế hoạch kiểm soát, PPAP – quá trình phê duyệt sản xuất (hàng loạt).

Từ năm 2017, Công ty TNHH Công nghiệp 3A đã tham gia dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp” của Bộ Công Thương. Đơn vị này đã hỗ trợ thí điểm 2 doanh nghiệp Lê Group và 4P Electronics áp dụng chứng nhận hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn IATF 16949:2016.

Thông qua triển khai hệ thống quản lý tiêu chuẩn IATF, các doanh nghiệp đối tác của Công ty TNHH Công nghiệp 3A đã rút ngắn thời gian sản xuất ra một sản phẩm, giảm thiểu sản phẩm lỗi, hỏng. Trách nhiệm cụ thể được quy định đến từng cá nhân người lao động. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng tiếp cận và từng bước triển khai các công cụ cải tiến năng suất cơ bản khác như 5S, Lean hoặc Lean 6 Sigma…

Nhờ tiêu chuẩn này, các doanh nghiệp tạo được lòng tin với đối tác và khách hàng. Các chuyên gia cho rằng IATF 16949:2016 là bộ tiêu chuẩn mà bất kỳ doanh nghiệp sản xuất linh kiện nào cũng cần có trong thời buổi kinh tế hội nhập toàn cầu.

Vụ Khoa học & Công nghệ

Tin mới