Ngày 28/4, tại Hà Nội, trong khuôn khổ triển lãm Vietnam Manufacturing Expo 2017, Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) đã tổ chức Hội thảo “Những ứng dụng thiết bị và công nghệ mới trong sản xuất sản phẩm cơ khí”. Trong buổi hội thảo, Chủ tịch VAMI Nguyễn Văn Thụ cho rằng, để gỡ khó cũng như tăng năng lực cho ngành cơ khí, cần tăng cường đầu tư và ứng dụng những thiết bị khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất; đẩy mạnh sự hợp tác sản xuất giữa các DN cơ khí trong nước, tránh đầu tư trùng lắp để chống lãng phí.
Có nhiều sản phẩm cơ khí công nghệ cao đã và đang được sản xuất tại nước ta hiện nay như: sản phẩm thiết kế chế tạo thủy công, thiết kế chế tạo thiết bị nhà máy xi măng, chế tạo giàn khoan dầu khí tự nâng 90m và bước đầu thiết kế chế tạo thiết bị nhà máy nhiệt điện chạy than…
Việc sử dụng các công nghệ hàn mới (TIG, MIG, MAG, điện xi…); các thiết bị hiện đại như máy cắt CNC vào gia công phục vụ chế tạo bi cầu giàn không gian, sản xuất kết cấu thép và thiết bị phi tiêu chuẩn giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm cơ khí Việt Nam trên trường quốc tế … Nhiều sản phẩm cơ khí khác như thiết bị đồng bộ, đóng tàu, lắp ráp ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị điện, phụ tùng cơ khí đã có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Doanh thu về sản phẩm cơ khí tăng đều trên 20% trong khoảng 10 năm trở lại đây.
Không dừng lại ở đó, các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam không ngừng đổi đầu tư nghiên cứu các công nghệ mới nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, tăng cường hiệu quả kinh tế và hướng tới sản xuất thân thiện với môi trường. Tiêu biểu như với công trình khoa học “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam”. Công trình đã nhận được Giải thưởng Quốc gia, Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ năm 2016. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, điều quan trọng hơn cả trong việc chế tạo thành công giàn khoan dầu khí tự nâng 90m (giàn khoan Tam Đảo 03 và Tam Đảo 05) là mốc son đánh dấu bước phát triển, sự trưởng thành mang tính lịch sử của ngành cơ khí Việt Nam. Từ chỗ chỉ có thể gia công chế tạo thì đến nay, ngành này đã có thể tự thiết kế, thi công các công trình giàn khoan dầu khí. Thành quả này cho thấy trình độ, năng lực, chất xám và khả năng lao động của Việt Nam không hề thua kém các nước trên Thế giới.
Ông Nguyễn Văn Thụ – Chủ tịch VAMI nhấn mạnh: Trong năm nay và những năm tới, để thúc đẩy hơn nữa sẽ phát triển của ngành cơ khí, hiệp hội sẽ đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hỗ trợ về thông tin tuyên truyền, giới thiệu về sản phẩm và năng lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên. Việc đẩy mạnh tuyên truyền về sản phẩm và năng lực của doanh nghiệp, đặc biệt là tại các hội chợ, triển lãm sẽ giúp các doanh nghiệp có thể nắm bắt thông tin, những doanh nghiệp mạnh, để tìm hiểu máy móc, từ đó hợp tác sâu hơn trong ngành cơ khí, và rộng hơn với quốc tế…
Theo Bộ Công Thương, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam thực sự bứt phá, ngành cơ khí cần nâng cao năng lực cạnh tranh theo hướng lựa chọn áp dụng công nghệ 3.0 và 4.0 để chế tạo các sản phẩm cơ khí có chất lượng, giá thành hợp lý. Đặc biệt, đối với các dự án đầu tư lớn về năng lượng, thủy điện, công nghiệp chế biến thực phẩm, khai thác khoáng sản, xây dựng hạ tầng cơ sở, xây dựng dân dụng, công nghiệp quốc phòng…, cần quy định ưu tiên sử dụng sản phẩm cơ khí Việt Nam đã đạt chất lượng và tương đương về giá. |
Văn phòng CPSI