Ngành chế biến thực phẩm – các thách thức cạnh tranh và giải pháp

Xu hướng phát triển Vào năm 2012, ngành chế biến thực phẩm đóng góp 20% cho Tổng sản phẩm nội địa (GDP) quốc gia và giá trị xuất khẩu đạt 18,1 tỷ USD. Giai đoạn 2011-2015, tính riêng tại TPHCM, ngành chế biến tinh lương thực – thực phẩm có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11,4%/năm; năm 2015, chiếm tỷ trọng 16,9% trong toàn ngành công nghiệp. Năng suất lao động của ngành có sự gia tăng đáng kể, năm 2013 đạt 1,86 tỷ đồng/người/năm. Các doanh nghiệp chuyên về thực phẩm như Vissan, Cầu Tre, Vifon, Massan… ngày càng phát triển mạnh mẽ. Nhiều dự án đầu tư dây chuyền thiết bị, ứng dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất cho ra đời nhiều sản phẩm có chất lượng và giá thành phù hợp. Các thương hiệu Việt Nam đã dần chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu như Vinamilk, Kinh Đô, Bia Sài Gòn, Tường An, Phạm Nguyên, Hanco… Thách thức cạnh tranh Tuy nhiên, ngành chế biến thực phẩm đang gặp phải các thách thức từ thị trường quốc tế và chính thị trường trong nước.
  • “Tác động của các FTA (Hiệp định Thương mại tự do) và BIT (Hiệp định Đầu tư song phương) hiện hành và đang đàm phán đối với ngành chế biến thực phẩm của Việt Nam” được đánh giá là khiến ngành này đối mặt với nhiều thách thức lớn.
  • Điểm mấu chốt của các cam kết FTA và BIT là giảm bớt hàng rào thuế quan. Trong khi việc này có thể thúc đẩy xuất khẩu trong ngắn hạn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Chẳng hạn, rất có thể các nước giàu sẽ xây dựng các hàng rào phi thuế quan tinh vi (NTBS) để bảo vệ ngành công nghiệp nội địa của mình, do đó trên thực tế đó sẽ cản trở xuất khẩu của Việt Nam. Thực tế, nhiều loạt rào cản phi thuế quan, vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS), hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT) và biện pháp bảo hộ tạm thời đã gây khó khăn cho các sản phẩm thực phẩm chế biến của Việt Nam. Tôm chế biến của Việt Nam liên tục bị các nước nhập khẩu từ chối do dư lượng kháng sinh và hóa chất vượt mức cho phép.
  • Theo ông Nguyễn Huỳnh Đạt – Giám đốc Công ty CP Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nhật: “Áp lực cạnh tranh của ngành hàng thực phẩm chế biến rất lớn, nhất là nhóm thực phẩm chế biến sẵn do nhu cầu người dùng liên tục thay đổi. Bên cạnh đó, miếng bánh thị trường thực phẩm chế biến sẵn vẫn đang là “điểm ngắm” của các tập đoàn đa quốc gia nên các DN nội nếu không đầu tư cả chiều sâu và rộng để phát huy lợi thế, tìm lợi thế khác biệt sẽ không tránh khỏi bị lấn át”.
Các công ty Việt Nam tăng cường quản lý, đầu tư cải tiến nhăm nâng cao năng suất, chất lượng Trước các thách thức, cạnh tranh trên trường quốc tế và thị trường trong nước, các doanh nghiệp Việt Nam đã tập trung thực hiện các giải pháp quản lý, đầu tư các giải pháp cải tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và đồng thời đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Công ty Vissan đã đầu tư thiết bị và công nghệ mới, như máy rã đông bằng sóng microwave, máy tách thịt và xương gà, máy cắt xúc xích… Bên cạnh đó, Công ty cũng liên tục nghiên cứu cải tiến sản phẩm, đơn cử như xúc xích tươi được cải tiến nên có mùi vị đặc trưng và hạn sử dụng dài hơn. Với quan điểm “sản phẩm không đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng sẽ sớm bị đào thải”, Vissan đã dành trung bình 0,5% tổng doanh thu hằng năm cho các hoạt động này. Công ty Saigon Food đã đầu tư dây chuyền sản xuất theo công nghệ Nhật Bản, nhằm đảm bảo chính sách “Chất lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng nhất để giữ thị trường. Hiện, điều lo ngại lớn nhất của người dùng là chất lượng sản phẩm. Công ty TNHH chế biến thực phẩm Đức Hạnh thực hiện chương trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001, ISO 22000:2005  thực hiện công tác mã số, mã vạch để nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước hội nhập thị trường khu vực và thế giới. Công ty Đức Hạnh cũng đã mạnh dạn đầu tư cho công nghệ thông tin, phần mềm quản lý nhằm tăng cường công cụ quản lý hiện đại. Xây dựng chiến lược phát triển thị trường, hình thành bộ phận thiết kế mẫu chuyên nghiệp và bộ phận chuyên nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đa dạng hóa sản phẩm, cải tiến bao bì mẫu mã, nâng cao năng lực cạnh tranh. Cùng với đó là các giải pháp về tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.  

Văn phòng NSLC  tổng hợp      

Tin mới