Ngành chế biến gỗ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng

Với mục tiêu xuất khẩu đạt 10,8 đến 11 tỷ USD trong năm 2019, ngành chế biến gỗ và lâm sản đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ máy móc để nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh, hiện các doanh nghiệp gỗ Việt Nam có nhiều cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó, nội lực của doanh nghiệp chế biến gỗ đã và đang được cải thiện rất lớn. Các doanh nghiệp đang thay đổi tư duy quản lý theo mô hình chuyên nghiệp, đầu tư công nghệ để nâng cao năng suất lao động.

Hàng triệu USD là số vốn đầu tư từ năm 2018 của Công ty TNHH Scancia Pacific dành cho công nghệ mới. Tương tự, Công ty CP Kiến trúc xây dựng AA mới nhập về một chiếc máy chế biến gỗ có giá lên tới hơn 1 triệu USD nhằm đáp ứng các đơn hàng mang tính công nghiệp cao. Công ty TNHH Hiệp Long cũng đang tiến hành đầu tư nhiều thiết bị hiện đại, có công nghệ mới, năng suất tốt để thay thế cho các thiết bị đã cũ, lạc hậu.

Là doanh nghiệp đang đầu tư khá bài bản cho công nghệ mới, bà Đỗ Thị Kim Loan, Tổng Giám đốc Công ty TNHH TM & SX Sao Nam cho biết, với mục tiêu xuất khẩu đạt 20 triệu USD trong năm 2019, Công ty đã đầu tư nhiều hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại để tăng năng suất lao động, giảm giá thành, đáp ứng yêu cầu đơn hàng của các thị trường. “Trước đây chúng tôi đã làm theo chuỗi nhập máy móc của Đức. Chúng tôi chú trọng trong lĩnh vực ván sàn là sử dụng công nghệ của Đức, Ý, Áo. Năm nay chúng tôi cũng sẽ đầu tư theo quy trình đó, và tăng thêm máy móc để đạt được mục tiêu xuất khẩu”, bà Loan chia sẻ.

Theo các chuyên gia trong ngành, sản phẩm gỗ của Việt Nam còn khó cạnh tranh với sản phẩm của những nhà xuất khẩu đồ gỗ hàng đầu như Đức, Ý, Ba Lan do các nước này có trình độ công nghệ cao, mức độ tự động hóa gần như 100%. Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nhập về các máy móc thiết bị rất hiện đại. Do đó, ở tương lai không xa, ngành chế biến gỗ của Việt Nam sẽ có nhiều khả năng cạnh tranh hơn bởi chi phí quản lý, nhà xưởng tại Việt Nam rẻ hơn nhiều so với tại các nước phát triển.

Năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt trên 9,38 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2017, chiếm hơn 23% giá trị xuất khẩu các ngành hàng thuộc ngành nông nghiệp. Riêng gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 8,909 tỷ USD, giá trị xuất siêu lâm sản cả năm 2018 đạt trên 7 tỷ USD, chiếm 85% giá trị xuất siêu của toàn ngành.

Văn phòng NSCL tổng hợp

Tin mới