Năng suất yếu tố tổng hợp: Thước đo hiệu quả cho các nhà quản lý (Phần 2)

Một nghiên cứu của Science Direct cho thấy về mặt vi mô, năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) có thể không tỉ lệ thuận với năng suất lao động (LP). Để sử dụng các thông số TFP một cách phù hợp, nhà quản lý doanh nghiệp cần đào sâu phân tích mối quan hệ của các yếu tố ảnh hưởng tới năng suất.

Nghiên cứu trên coi năng suất yếu tố tổng thể và năng suất lao động là các yếu tố hỗ trợ khác nhau cho tính không đồng nhất của doanh nghiệp, mặc dù chúng thường được sử dụng thay thế cho nhau trong các tài liệu. Tác giả cho rằng các thước đo năng suất có liên quan đến các chiến lược hội nhập được các công ty đa quốc gia áp dụng và nên phản ánh một cách phân loại năng suất khác.

Thông qua việc sử dụng bảng dữ liệu phân tích của các công ty đa quốc gia của Đài Loan, kết quả thực nghiệm cho thấy số lượng địa điểm đầu tư của họ tăng theo năng suất lao động nhưng giảm theo năng suất yếu tố tổng hợp. Các doanh nghiệp đa quốc gia (MNE) thường có năng suất tổng hợp cao hơn có nhiều khả năng đầu tư vào các quốc gia có giá nguyên liệu hoặc mức lương cao hơn. Kết quả thực nghiệm cũng cho thấy Trung Quốc là lựa chọn hàng đầu cho các MNE với năng suất tổng nhân tố hoặc năng suất lao động ngày càng tăng.

Điều này cho thấy việc lựa chọn thước đo năng suất phù hợp là rất quan trọng. Nhìn chung nếu xét về mặt vĩ mô, TFP có nhiều ưu thế hơn do nó không chỉ đơn giản thể hiện hiệu suất đầu ra so với đầu vào, mà còn là một phương pháp đo lường có thể bao quát và thâu tóm được rất nhiều khía cạnh. TFP bao gồm những nhân tố như thay đổi tư duy kiến thức, sử dụng các cơ cấu tổ chức và kỹ thuật quản lý đặc biệt, hoặc lợi nhuận trên quy mô. Các thành phần của TFP thường chính là yếu tố tạo ra thay đổi năng suất trong lĩnh vực phát triển phần mềm.

Hiện nay, có rất ít các tổ chức phát triển và bảo trì phần mềm chịu bỏ thời gian ra để tính toán TFP, nhưng tất cả những người có vai trò quản lý hoặc tham gia vào việc thực hiện, đánh giá thay đổi đều cần phải hiểu rõ khái niệm và bản chất của TFP cùng các nhân tố của nó. Những yếu tố đó thường sẽ là đòn bẩy hết sức hiệu quả đối với việc cải tiến năng suất của lĩnh vực bảo trì và phát triển phần mềm.

Một vài trong số các yếu tố này bao gồm: Đổi mới công nghệ, cải tiến phúc lợi xã hội, cải cách phương pháp quản lý và tái phân bổ các nguồn lực không hiệu quả. – Đổi mới công nghệ: Đây chắc chắn là một đóng góp lớn lao đối với việc nâng cao năng suất trong lĩnh vực phát triển và bảo trì phần mềm. – Cải tiến phúc lợi xã hội: Bao gồm những yếu tố như ổn định chính trị, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải hoặc cải tiến hệ thống giáo dục nói chung. – Cải cách phương pháp quản lý: Điều này có tác dụng tạo ra nền tảng vững chắc cho việc thúc đẩy hiệu suất hoạt động và tăng cường năng suất. – Tái phân bổ các nguồn lực không hiệu quả: Quản lý quy trình nghiệp vụ (BPM) và Tái cơ cấu quy trình nghiệp vụ (BPR) là những lĩnh vực có thể giúp cải thiện các quy trình hoạt động.

Việc cắt giảm những hoạt động kém hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp có thể để dành tiền của, thời gian, công sức và các nguồn lực khác vào những hoạt động hiệu quả hơn. TFP đo lường tác động của tất cả những yếu tố trên và nhiều thứ khác nữa. Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm là khá phức tạp. Trong lĩnh vực phát triển phần mềm, TFP đại diện cho nhiều loại đòn bẩy mà doanh nghiệp cần phải sử dụng để thúc đẩy năng suất. Con đường thay đổi cơ cấu quản lý có lẽ sẽ không đơn giản, nhưng ít ra chúng ta có thể thấy rằng, có một số phương pháp khác đơn giản hơn vẫn tạo ra được tác động thay đổi.

Văn phòng NSCL

Tin mới