Năng suất lao động – Vấn đề của cả hai phía

Bài tham luận của ông Nguyễn Văn Chiến – Chủ tịch Công đoàn công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao Chúng ta đều biết, năng suất lao động là hiệu quả của hoạt động có ích của con người trong một đơn vị thời gian, nó được biểu hiện bằng số lượng sản phẩm sản xuất ra trong một đơn vị thời gian hoặc hao phí để sản xuất ra được một sản phẩm. Trong buổi tọa đàm hôm nay, với chủ đề “Năng suất lao động – vấn đề của doanh nghiệp hay người lao động”?

Theo quan điểm cá nhân tôi, đây là vấn đề của cả hai phía. Thứ nhất, về phía doanh nghiệp: Doanh nghiệp quyết định các yếu tố gắn liền với phát triển và sử dụng các tư liệu sản xuất. Các yếu tố này bao gồm: thiết bị, quy trình công nghệ, cơ sở vật chất kỹ thuật, nguyên nhiên vật liệu, … Đây là yếu tố mạnh nhất tác động đến năng suất lao động. Để tăng năng suất lao động, doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư đổi mới về thiết bị và công nghệ: lấy thiết bị tiên tiến thay thế thiết bị cũ; cải tiến quy trình công nghệ theo hướng hiện đại; sử dụng các nguyên nhiên vật liệu mới có những tính năng cao hơn, giá rẻ hơn thay thế nguyên nhiên vật liệu cũ. Bên cạnh các yếu tố trên, năng suất lao động còn phụ thuộc vào các yếu tố gắn liền con người và quản lý con người. Yếu tố này bao gồm: trình độ chuyên môn của người lao động, tình trạng sức khỏe, thái độ của người lao động và thời gian lao động của họ; điều kiện và và môi trường làm việc, công tác quản trị, … Đây là yếu tố hàng đầu để làm tăng năng suất lao động. Nếu doanh nghiệp quan tâm và đầu tư đúng mức vào các vấn đề như: Công tác đào tạo, đào tạo lại để nâng cao tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ cho người lao động; phân công, sử dụng lao động hợp lý; đảm bảo điều kiện làm việc, môi trường làm việc tốt, thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng, các chế độ đãi ngộ mang tính động viên, khích lệ kịp thời, mặt khác chăm lo đến đời sống tinh thần (hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, bảo vệ sức khỏe…), để người lao động toàn tâm toàn ý đồng hành cùng doanh nghiệp;… thì vấn đề tăng năng suất lao động tại doanh nghiệp đó là điều tất yếu.

Thứ hai, về phía người lao động: Ngoài các yếu tố thiết bị, quy trình công nghệ, cơ sở vật chất kỹ thuật, nguyên nhiên vật liệu đầu vào, thì năng suất lao động phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, tay nghề, chuyên môn, đặc biệt là thái độ lao động của người lao động. Yếu tố này đặc biệt quan trọng tác động đến năng suất lao động. Thái độ lao động thể hiện qua tinh thần trách nhiệm trong công việc, ý thức tổ chức kỷ luật, sự say mê nghề nghiệp… Một người có thái độ lao động tốt sẽ hoàn thành xuất sắc công việc được giao, không chỉ đảm bảo tăng năng suất, chất lượng mà còn có những đề xuất sáng tạo nhằm tăng năng suất lao động.

Như vậy, năng suất lao động là vấn đề của cả doanh nghiệp và người lao động, cả hai phía đều có ý nghĩa quyết định trong vấn đề năng suất lao động. Trong khuôn khổ thời gian có hạn, tôi xin được trao đổi với quý vị về một số giải pháp đã và đang được thực hiện tại công ty CP Supe Phốt phát và hóa chất Lâm Thao:

Một là, đầu tư đổi mới công nghệ, thay thế thiết bị: Công ty tiến hành làm theo từng giai đoạn, việc đầu tư thiết bị, đổi mới công nghệ không chỉ làm tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm mà còn góp phần tích cực trong vấn đề xử lý môi trường, đảm bảo điều kiện làm việc, môi trường làm việc cho người lao động, đồng thời đảm bảo môi trường cho cộng đồng dân cư trên địa bàn.

Hai là, nghiên cứu, sử dụng các nguồn nguyên, nhiên liệu tối ưu hơn trong quá trình sản xuất, tạo ra các sản phẩm ngày càng chất lượng hơn, đáp ứng yêu cầu của thị trường, đồng thời làm tăng năng suất lao động một cách hiệu quả.

Ba là, thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, đào tạo lại tay nghề cho người lao động; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, đảm bảo nguồn nhân lực có đủ trình độ đáp ứng yêu cầu từng vị trí công việc.

Bốn là, thực hiện tốt công tác bảo hộ lao động, đảm bảo tất cả các vị trí làm việc đều có đủ các trang thiết bị bảo bộ cần thiết. Năm 2015 công ty thực hiện kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động theo Thông tư Liên tịch số 01 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế với kinh phí 21 tỷ đồng. (trong đó dành gần 2 tỷ đồng chi phí khám sức khỏe cho người lao động). Quan tâm đúng mức tới chăm sóc sức khỏe của người lao động, không chỉ tổ chức 02 lần khám sức khỏe định kỳ phát hiện kịp thời bệnh nghề nghiệp, công ty còn xây dựng quy chế thanh toán hỗ trợ tiền khám chữa bệnh cho người lao động với mức: Bệnh thông thường: 30 triệu đồng/người/năm; bệnh hiểm nghèo: 50 triệu đồng/người/năm. (số tiền đã chi bình quân gần 700 triệu đồng/năm).

Năm là, phát động có hiệu quả phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất. Các sáng kiến tập trung vào các vấn đề sản xuất kinh doanh, đặc biệt là nhiều sáng kiến đã góp phần nâng cao năng suất lao động và cải thiện điều kiện làm việc. Tổ chức sơ kết, tổng kết khen thưởng kịp thời. Ngoài ra công ty còn xây dựng quy chế xét, khen thưởng và tặng Giấy chứng nhận Lao động cấp công ty cho những cá nhân có nhiều đề xuất sáng tạo. Tất cả những việc làm đó đã tạo động lực thúc đẩy phong trào ngày càng phát triển, có thêm nhiều đề xuất nhằm nâng cao năng suất lao động.

Sáu là, thường xuyên rà soát, bổ sung, sửa đổi nội quy, thỏa ước lao động tập thể, các quy chế nội bộ trong công ty phù hợp với chính sách, pháp luật hướng tới có lợi hơn cho người lao động. Bên cạnh đảm bảo đủ việc làm cho người lao động với mức thu nhập năm sau cao hơn năm trước, công ty còn xây dựng hệ thống công trình phúc lợi như khu thể thao, văn hóa, nhà đa năng, thư viện(tủ sách pháp luật), xây dựng đường xá…, tạo cho người lao động có điều kiện vui chơi, giải trí sau giờ làm việc góp phần nâng cao sức khỏe.

Cuối cùng, đó là thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Ban Chấp hành Công đoàn với Tổng Giám đốc công ty. Chúng tôi xác định, hoạt động công đoàn với chuyên môn không phải là đối trọng mà là đối tác, là sự hợp tác trong việc tuyên truyền, vận động người lao động thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; nội quy, quy chế của doanh nghiệp nhằm khích lệ, động viên người lao động yêu ngành, yêu nghề, gắn bó với doanh nghiệp vì mục tiêu chung là sự phát triển bền vững của doanh nghiệp..

Có thể khẳng định: Tiến hành đồng bộ các giải pháp và kết hợp các cơ chế, chính sách là tiền đề để góp phần nâng cao năng suất lao động tại doanh nghiệp, điều đó càng có ý nghĩa hơn khi tổ chức công đoàn – Người đại diện cho tập thể người lao động luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, cùng bàn bạc để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

bxh.laodong.com.vn

Tin mới