Tại diễn đàn CEO 2018 tổ chức mới đây tại Hà Nội, bài tham luận về chủ đề ‘Năng suất lao động của Việt Nam và giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng năng suất lao động’ của TS Nguyễn Bích Lâm – Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê khiến chúng ta không khỏi nghĩ suy về năng suất lao động (NSLĐ) cũng như trình độ công nghệ của Việt Nam hiện nay trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng 4.0).
Nguyên nhân nào khiến NSLĐ thấp?
Dẫn số liệu của Tổng Cục Thống kê, TS Lâm cho hay, NSLĐ toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2017 ước tính đạt 93,2 triệu đồng/lao động (tương đương 4.166 USD/lao động). Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 tăng 6% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2011-2017 tăng 4,7%/năm.
Tính chung giai đoạn 10 năm 2007-2016, NSLĐ theo sức mua tương đương năm 2011 (PPP 2011) của Việt Nam tăng trung bình hàng năm 4,2%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân của Xin-ga-po (1,5%/năm); Ma-lai-xi-a (1,9%/năm); Thái Lan (2,5%/năm); In-đô-nê-xi-a (3,5%/năm); Phi-li-pin (2,8%/năm). Tuy nhiên, mức NSLĐ của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực.
Tính theo PPP 2011, NSLĐ của Việt Nam năm 2016 đạt9.894 USD, chỉ bằng 7,0% mức năng suất của Xin-ga-po; 17,6% của Ma-lai-xi-a; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của In-đô-nê-xi-a và bằng 56,7% NSLĐ của Phi-li-pin. Đáng chú ý là chênh lệch về NSLĐ giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng.
Điều này cho thấy khoảng cách và thách thức nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong việc bắt kịp mức năng suất lao động của các nước. Một số nguyên nhân được TS Lâm cho là dẫn đến NSLĐ thấp đó là: Thứ nhất, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tuy theo hướng tích cực nhưng còn chậm, các ngành công nghiệp, dịch vụ, nhất là những ngành dịch vụ “mũi nhọn” như tài chính, tín dụng, du lịch còn chiếm tỷ trọng thấp.
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2016 tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP của Việt Nam là 16,3%, trong khi tỷ lệ này của Thái Lan là 8%; Ma-lai-xi-a 9%; Phi-li-pin 10%; In-đô-nê-xi-a 14%; riêng Xin-ga-po, tỷ trọng ngành nông nghiệp rất nhỏ, các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm gần 100% GDP.
Thứ hai, lao động trong khu vực nông nghiệp còn lớn, trong khi NSLĐ ngành nông nghiệp thấp. Đến năm 2017, nước ta vẫn còn tới 21,6 triệu lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, trong khi NSLĐ khu vực này chỉ đạt 35,5 triệu đồng/lao động, bằng 38,1% mức NSLĐ chung của nền kinh tế; bằng 29,4% NSLĐ khu vực công nghiệp, xây dựng và bằng 31,3% NSLĐ các ngành dịch vụ.
Nếu tính theo số giờ thực tế làm việc bình quân, NSLĐ theo giờ khu vực này cũng cải thiện không đáng kể, chỉ bằng khoảng 43,3% mức NSLĐ chung; bằng 37,4% NSLĐ khu vực công nghiệp, xây dựng và bằng 30,3% năng suất của khu vực dịch vụ…
Thứ ba, máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu. Phần lớn doanh nghiệp nước ta, đặc biệt là doanh nghiệp dân doanh đang sử dụng công nghệ tụt hậu 2-3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới, trong đó 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ những năm 1960-1970; 75% số thiết bị đã hết khấu hao; 50% thiết bị là đồ tân trang. Thứ tư, chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động còn thấp. Đến cuối năm 2017, chỉ có 21,5% lao động cả nước đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, trong đó khu vực nông thôn rất thấp, chỉ khoảng 13%.
Cơ cấu lao động theo trình độ đào tạo còn bất hợp lý, thiếu hụt nhân lực là kỹ sư thực hành, công nhân kỹ thuật bậc cao. Kết nối cung cầu trên thị trường lao động còn nhiều bất cập. Tình trạng thất nghiệp ở nhóm lao động trẻ hoặc không phù hợp giưãcông việc và trình độ đào tạo còn khá phổ biến.
Việc khai thác, sử dụng lao động đã làm việc và học tập ở nước ngoài trở về nước còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành kỷ luật lao động không cao; lao động thiếu các kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ hạn chế. Đây chính là rào cản lớn cho việc cải thiện NSLĐ.
Thứ năm, trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn nhiều bất cập; năng lực quản lý, quản trị doanh nghiệp còn hạn chế; còn một số “điểm nghẽn” về cải cách thể chế và thủ tục hành chính. Tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) cho tăng trưởng GDP của Việt Nam thời gian qua còn ở mức thấp, giai đoạn 2001-2010 chỉ đạt 4,3%, trong khi Hàn Quốc đạt 51,3%; Ma-lai-xi-a đạt 36,2%; Thái Lan đạt 36,1%, Trung Quốc đạt 35,2%; Ấn Độ đạt 31,1%.
Trong giai đoạn 2011-2015, đóng góp của TFP được nâng lên nhưng vẫn ở mức thấp là 33,58%, trong khi đóng góp của vốn là 51,20% và đóng góp của lao động là 15,22%. Tỷ lệ đóng góp của TFP trong tăng trưởng GDP phản ánh trình độ, ý thức tổ chức và quản lý trong sản xuất kinh doanh của lao động Việt Nam còn ở mức thấp chưa đáp ứng được yêu cầu của nền sản xuất hiện đại.
Thứ sáu, khu vực doanh nghiệp (khu vực có vai trò rất quan trọng trong nâng cao NSLĐ của toàn nền kinh tế) chưa thực sự là động lực quyết định tăng trưởng NSLĐ của nền kinh tế. Qua tính toán từ kết quả Điều tra doanh nghiệp cho thấy, bình quân giai đoạn 2011-2015, NSLĐ khu vực doanh nghiệp (theo giá hiện hành) tăng 5,1%/năm, trong khi năng suất lao động của toàn nền kinh tế tăng 9,5%/năm.
Giải pháp nào nâng cao NSLĐ?
Để nâng cao NSLĐ, TS Lâm cho rằng, về giải pháp về thể chế, chính sáchChính phủ sớm thành lập Ủy ban Năng suất Quốc gia do một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch, trong đó thiết lập một cơ quan thường trực, chuyên sâu về năng suất lao động có nhiệm vụ phối hợp các động lực tăng năng suất quốc gia của Việt Nam. Cử các đoàn sang học tập kinh nghiệm của Xin-ga-po và Hàn Quốc để áp dụng vào Việt Nam;
Phát động phong trào tăng năng suất trong tất cả các khu vực của nền kinh tế; chọn một số lĩnh vực (may mặc, sản xuất máy móc thiết bị, điện tử), một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm Chương trình thúc đẩy tăng năng suất lao động, từ đó nhân rộng ra toàn bộ nền kinh tế.
Chọn một tháng trong năm là “Tháng Năng suất Quốc gia” nhằm thúc đẩy phong trào tăng năng suất lao động, thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và đồng thuận của toàn xã hội đối với việc thúc đẩy tăng năng suất lao động.
Đặc biệt, nghiên cứu cải cách chính sách tiền lương, tiền công theo nguyên tắc thị trường, phù hợp giữa tăng tiền lương và tăng năng suất lao động.Tăng cường chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động trong các doanh nghiệp, nhất là lao động trong các khu công nghiệp.
Nguồn: baomoi.com