Năng suất lao động thấp vì ‘làm những việc người khác không muốn làm’

Năng suất lao động thấp có lý do từ việc thời gian qua chúng ta làm những việc người khác không muốn làm vì giá trị thấp. Đây là nhận định của ông Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, có nhiều yếu tố tác động tới năng suất lao động và một trong những yếu tố tác động mạnh mẽ đó là khoa học và công nghệ. Qua quá trình nghiên cứu cho thấy, doanh nghiệp và người lao động chỉ có năng suất cao khi được sử dụng những công nghệ và thiết bị tiên tiến hiện đại. Không thể có năng suất cao nếu dùng thiết bị cũ kỹ hoặc người lao động sử dụng các công cục thủ công.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam

Qua khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp cũng cho thấy một thực tế, nếu doanh nghiệp đầu tư vào khoa học và công nghệ, nghiên cứu đổi mới, tạo ra sản phẩm, có thể tạo ra được các sản phẩm có giá trị cao, có tính năng độc đáo, có khả năng cạnh tranh cao cũng góp phần tăng năng suất lao động.

“Một trong các cản trở năng suất lao động, thời gian qua chúng ta đang làm những công việc mà người khác, doanh nghiệp khác không muốn làm vì giá trị quá thấp. Muốn thoát khỏi điều đó không đơn giản, dễ dàng mà phải đầu tư vào khoa học và công nghệ, nghiên cứu cải tiến ra quá trình, sản phẩm mới. Đó là mấu chốt để có thể làm thay đổi năng suất lao động trong thời gian tới”, ông Nguyễn Anh Tuấn nhận định.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc áp dụng khoa học và công nghệ vào trong sản xuất với doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về vấn đề vốn, cơ chế chính sách, chúng ta có thể làm gì để thay đổi điều này trong thời gian tới? ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, có hai vấn đề mấu chốt, thứ nhất là từ cơ quan quản lý và nhà khoa học, phải chuyển từ việc khoa học công nghệ là giúp giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp. Tất nhiên việc ngồi nghiên cứu cũng vẫn cần nhưng khi việc đi nghiên cứu, giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp chắc chắn hoạt động khoa học và công nghệ sẽ đóng góp, tác động vào đời sống, kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp mạnh mẽ hơn.

Thứ hai là từ tự thân doanh nghiệp, họ xác định đâu là vấn đề khoa học và công nghệ để tập trung đầu tư. Nhưng qua nghiên cứu cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp còn rất “lơ mơ” trong vấn đề này.

Qua thực tế triển khai tại các doanh nghiệp, chúng tôi thấy rằng, các doanh nghiệp đã triển khai các chương trình để cải tiến, nâng cao năng suất lao động. Để triển khai được, ngay từ đầu doanh nghiệp phải xác định được đâu là nhu cầu của doanh nghiệp, của khách hàng và của thị trường bởi vì doanh nghiệp chỉ làm những gì mà khách hàng và thị trường trả tiền vào. Từ đó doanh nghiệp xem xét tất cả quá trình để đáp ứng nhu cầu một cách tối ưu.

Hiện nay doanh nghiệp đang vướng mắc về vấn đề gì? Họ vướng mắc đủ thứ, như từ khâu quản lý, tổ chức, bố trí, khuyến khích con người. Một vấn đề không thể thiếu là đầu tư cho phù hợp. Trong quá trình rà soát, doanh nghiệp phát hiện ra ngay đâu là vướng mắc về ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại. Hay việc ứng dụng phải có đầu tư cải tiến quá trình sản xuất, kinh doanh. Với những cách thức như vậy, doanh nghiệp đã thấy được tầm quan trọng của việc đầu tư khoa học và công nghệ, nâng cao giá trị cho khách hàng.

Doanh nghiệp có thể tính được, đầu tư 1 đồng, lãi được bao nhiêu. Đó là yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ nhất doanh nghiệp đầu tư cho khoa học và công nghệ. Có những doanh nghiệp nói rằng, nếu đầu tư bán được hàng, họ sẵn sàng bán nhà để đầu tư. Còn không, nếu đầu tư không bán được hàng, nhà nước có hỗ trợ một nửa, họ cũng không dám đầu tư.

Nguồn: Vietq.vn

Tin mới