Trong khi năng suất lao động chung của toàn nền kinh tế Việt Nam đạt mức bình quân hơn 3.600 USD/người (79,2 triệu đồng/người) năm 2015 và đang thua Singapore hơn 90.000 USD thì tại Việt Nam, ngành khai khoáng có năng suất lao động đạt 1,74 tỷ đồng/người, gấp 22 lần mức năng suất lao động chung của toàn nền kinh tế.
Tuy nhiên, năng suất của ngành khai thác khoáng sản trên thế giới đã giảm 28% so với 10 năm trước. Bắc Mỹ có sự sụt giảm năng suất lớn nhất lên đến 4,8%/năm trong giai đoạn 2004-2013, tiếp đến khu vực Cận Sahara, châu Phi với tỷ lệ 4,5%. Ngành khai thác khoáng sản của ÚC cũng không nằm ngoài xu hướng trên khi trung bình giảm 4,2%/năm trong giai đoạn này. Trong ngành khai thác khoáng sản, các doanh nghiệp thường quan tâm đến năng suất bằng việc giảm giá thành sản xuất và tăng sản lượng nhưng lại không quan tâm một cách chính xác tính hợp lý để có thể cải thiện năng suất chính. Như vậy, trong bối cảnh chung của thế giới, ngành khai khoáng Việt Nam dù đạt năng suất lao động cao nhất so với các ngành khác, nhưng vẫn cần thực hiện các giải pháp cải tiến.
Các giải pháp cải tiến cần phải làm đối với ngành khai khoáng
- Cần có một tư duy mới trong việc tăng năng suất chứ không chỉ quan tâm tới việc giảm giá thành và tăng sản lượng.
- Các công ty khai thác khoáng sản cần phải cân nhắc thêm hai vấn đề chính trong hoạt động đó là: hệ thống quản lý hiệu quả và nhân sự.
- Sử dụng máy móc thiết bị tự động hóa trong khai thác.
Các giải pháp cải tiến tại Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV)
TKV đã nhanh chóng đưa ra hàng loạt các giải pháp hữu hiệu như: tái cơ cấu mô hình tổ chức, quản lý của tập đoàn và các công ty thành viên; quản trị chi phí; quản trị nguồn nhân lực; ứng dụng khoa học công nghệ… Trong thời gian qua các giải pháp đồng bộ nêu trên đã chứng minh được tính hiệu quả trong việc cải thiện năng suất của TKV.
Các giải pháp theo định hướng của Nhà nước
Tháng 2 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2025. Mmục tiêu của đề án đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, đổi mới và hiện đại hóa công nghệ sản xuất trong các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất lao động, hiệu quả khai thác, chế biến; nâng cao tỷ lệ thu hồi, giảm tổn thất tài nguyên khoáng sản trong quá trình khai thác và chế biến khoáng sản; nâng cao mức độ an toàn lao động, đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường. Các giải pháp đưa ra gồm:
Về các giải pháp cải tiến, công nghệ:
- Đổi mới công nghệ và thiết bị theo hướng áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị công suất lớn, hiệu suất cao, có cơ cấu vận hành liên tục, vận hành linh hoạt, loại bỏ thiết bị cũ, lạc hậu trong công tác bốc xúc, vận tải; áp dụng hệ thống vận tải liên tục bằng băng tải, đường ống, hệ thống vận tải liên hợp ô tô – băng tải và ô tô – trục tải ở những mỏ có điều kiện phù hợp.
- Áp dụng công nghệ khai thác hợp lý với chiều cao tầng khai thác lớn, sử dụng thiết bị hiện đại, công suất lớn; các giải pháp kỹ thuật tiên tiến để nâng cao độ ổn định bờ mỏ nhằm tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao mức độ an toàn; phát triển, áp dụng công nghệ tiên tiến trong công tác đổ thải, thoát nước khi khai thác xuống sâu; đổ thải hợp lý ở các khu vực phía dưới còn khoáng sản sẽ được khai thác bằng công nghệ hầm lò.
- Hoàn thiện và triển khai áp dụng công nghệ cơ giới hóa đào lò đá theo hướng đồng bộ thiết bị khoan nổ, bốc xúc, vận tải, sử dụng phương pháp nổ mìn tiên tiến; áp dụng rộng rãi vì chống thủy lực, chống lò bằng vì neo, vì neo dẻo cốt thép, bê tông phun và hỗn hợp vì neo – bê tông phun; ứng dụng tự động hóa cho các khâu vận chuyển xếp dỡ, cung cấp điện và tự động giám sát điều khiển thông gió, kiểm soát khí mỏ, thoát nước mỏ…
Về quản lý, đổi mới cơ chế quản lý, tăng cường liên kết giữa các nhà khoa học, tổ chức khoa học và công nghệ với doanh nghiệp trong việc hình thành nội dung, tổ chức nghiên cứu và ứng dụng kết quả phục vụ đổi mới và hiện đại hóa công nghệ.
Về xu hướng phát triển, đổi mới hoạt động khoa học và công nghệ. Cụ thể, tăng cường đầu tư phát triển tiềm lực cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản rắn, dầu khí; thành lập và khai thác, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tại doanh nghiệp. Tăng cường năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các thiết bị công nghệ, phụ tùng, linh kiện thay thế phục vụ ngành khai thác, chế biến khoáng sản rắn, dầu khí; tích cực thu hút đầu tư nước ngoài và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, trao đổi thông tin, ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản.
Văn phòng NSLC tổng hợp