Năng suất lao động của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập

Ở Việt Nam, theo Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, năng suất lao động phản ánh hiệu suất làm việc của lao động, được đo bằng GDP tính bình quân một lao động trong thời kỳ tham chiếu. Chỉ tiêu năng suất lao động thường được phân tổ theo ngành kinh tế và loại hình kinh tế.

Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua tuy có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN nhưng năng suất của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực. Làm thế nào để nâng cao năng suất lao động cho nền kinh tế là bài toán đặt ra?

Thực trạng về năng suất lao động tại Việt Nam

Năng suất là thước đo mức độ hiệu quả do con người và các đơn vị sản xuất chuyển đổi nguồn lực sản xuất để tạo ra sản phẩm là hàng hóa và dịch vụ cho xã hội. Năng suất lao động (NSLĐ) phản ánh năng lực tạo ra của cải, hiệu suất của lao động cụ thể trong quá trình sản xuất, đo bằng số sản phẩm hay lượng giá trị tạo ra trong một đơn vị thời gian, hay lượng thời gian lao động hao phí để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm.

Ở Việt Nam, theo Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, NSLĐ phản ánh hiệu suất làm việc của lao động, được đo bằng GDP tính bình quân một lao động trong thời kỳ tham chiếu. Chỉ tiêu NSLĐ thường được phân tổ theo ngành kinh tế và loại hình kinh tế. Tăng NSLĐ đóng vai trò quyết định đối với tăng trưởng kinh tế.

Những năm qua, NSLĐ của Việt Nam liên tục gia tăng, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế – xã hội của đất nước. Điển hình như, năm 2017, NSLĐ đóng góp khoảng 89% tăng trưởng GDP, cao hơn so với mức 66,3% giai đoạn 1990-2000 và 61,9% giai đoạn 2000-2012. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, NSLĐ toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2017 ước đạt 93,2 triệu đồng/lao động.

Tính theo giá so sánh năm 2010, NSLĐ toàn nền kinh tế năm 2017 tăng 6% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2011-2017 tăng 4,7%/năm. Tính chung giai đoạn 10 năm 2007-2016, NSLĐ theo sức mua tương đương năm 2011 của Việt Nam tăng trung bình 4,2%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân của Singgapore (1,5%/năm); Malaysia (1,9%/năm); Thái Lan (2,5%/năm); Indonesia (3,5%/năm); Philippines (2,8%/năm).

Theo Tổng cục Thống kê, NSLĐ của Việt Nam thời gian qua tuy có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN nhưng năng suất của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực.

Tính theo mức tương đương năm 2011, NSLĐ của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7,0% mức năng suất của Singgapore; bằng 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; bằng 42,3% của Indonesia, bằng 56,7% của Philippines. Đáng chú ý là chênh lệch về NSLĐ giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng.

Về việc làm, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước năm 2017 ước tính là 54,8 triệu người, tăng 394,9 nghìn người so với năm 2016. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động của cả nước năm 2017 ước tính đạt 48,2 triệu người, tăng 511 nghìn người so với năm trước. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động khu vực thành thị chiếm 33,4%; khu vực nông thôn chiếm 66,6%. Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế năm 2017 ước tính 53,7 triệu người, tăng 416,1 nghìn người so với năm 2016.

Trong đó, lao động đang làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 40,3%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 25,7%; khu vực dịch vụ chiếm 34%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi lao động năm 2017 là 2,24%, trong đó khu vực thành thị là 3,18%; khu vực nông thôn là 1,78%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) năm 2017 là 7,51%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi lao động năm 2017 là 1,63%.

Tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) cho tăng trưởng GDP của Việt Nam còn ở mức thấp. So sánh với các nước cho thấy, giai đoạn 2001-2010, Việt Nam chỉ đạt tỷ lệ 4,3%, trong khi Hàn Quốc đạt 51,3%; Malaysia đạt 36,2%; Thái Lan đạt 36,1%, Trung Quốc đạt 35,2%; Ấn Độ đạt 31,1%.

Nguyên nhân dẫn đến NSLĐ của Việt Nam thấp so với các nước trong khu vực là người lao động Việt chỉ đảm nhận các công đoạn hoàn thiện theo mẫu. Lực lượng lao động Việt Nam đông nhưng chỉ đảm bảo nhận được các công việc gia công, không tạo ra sản phẩm có thương hiệu để cung ứng cho thị trường. Ngoài ra, Việt Nam vẫn coi nguồn lao động giá rẻ là lợi thế của nền kinh tế khiến rất khó nâng cao NSLĐ. Bên cạnh đó, trong cộng đồng DN Việt Nam hiện nay có đến trên 90% là DN nhỏ và vừa, công nghệ sản xuất thấp và trung bình chiếm tỷ lệ quá cao.

DN Việt Nam chưa tham gia sâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các DN nội địa hầu như chưa kết nối được vào chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty, tập đoàn xuyên quốc gia lớn nên chưa tận dụng được tính lan toả của tri thức, công nghệ và NSLĐ từ các công ty, tập đoàn xuyên quốc gia vào DN trong nước; những DN tham gia xuất, nhập khẩu có NSLĐ cao hơn 35% so với DN không có hoạt động này. Ngoài ra, quá trình cổ phần DNNN còn chưa được như mong muốn, việc phân bổ nguồn lực của các DNNN còn hạn chế.

Mặt khác, cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, 40% lao động còn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, 60% lao động còn làm việc trong khu vực phi kết cấu. Do vậy, nhiệm vụ đầu tiên để cải thiện và nâng cao NSLĐ là chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang các khu vực khác và chính thức hóa việc làm khu vực phi kết cấu.

Trong nội bộ từng khu vực công nghiệp, dịch vụ cũng như nông nghiệp, việc chuyển dịch từ các ngành tạo ra giá trị gia tăng thấp sang các ngành tạo ra giá trị gia tăng cao cũng góp phần quan trọng cải thiện và nâng cao NSLĐ.

Chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động còn thấp, trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn nhiều bất cập; năng lực quản lý, quản trị DN còn hạn chế; còn một số “điểm nghẽn” về cải cách thể chế và thủ tục hành chính.

Đến cuối năm 2017, mới chỉ có 21,5% lao động cả nước đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, trong đó khu vực nông thôn rất thấp, chỉ khoảng 13%. Cơ cấu lao động theo trình độ đào tạo còn bất hợp lý, thiếu hụt nhân lực là kỹ sư thực hành, công nhân kỹ thuật bậc cao. Kết nối cung cầu trên thị trường lao động còn nhiều bất cập.

Tình trạng thất nghiệp ở nhóm lao động trẻ hoặc không phù hợp giữa công việc và trình độ đào tạo còn khá phổ biến. Việc khai thác, sử dụng lao động đã làm việc và học tập ở nước ngoài trở về nước còn nhiều hạn chế; Ý thức chấp hành kỷ luật lao động không cao; lao động thiếu các kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ hạn chế. Đây chính là rào cản lớn cho việc cải thiện NSLĐ.

Giải pháp nâng cao năng suất lao động của Việt Nam

Một là, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo điều kiện và môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho DN. Theo đó, cần tập trung tiếp tục sử dụng chuẩn mực toàn cầu và thực tiễn quốc tế tốt của kinh tế thị trường hiện đại trong thiết kế, giám sát và đo lường kết quả của cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.

Các giải pháp cải cách thế chế, cải thiện môi trường kinh doanh, cần hướng đến phát triển các loại thị trường, đảm bảo cạnh tranh công bằng và tăng mức độ cạnh tranh thị trường nhằm tăng hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả phân bố và hiệu quả động năng, là động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế; Đồng thời, làm cho hoạt động kinh doanh tự do hơn, thuận lợi hơn, an toàn hơn, rủi ro giảm và chi phí giảm…; Tăng lợi nhuận cho nhà đầu tư và DN.

Các văn bản chính sách như Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 6/2/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020… đã theo hướng này nhưng cần triển khai quyết liệt hơn, thường xuyên giám sát, đánh giá báo cáo Thủ tướng và Chính phủ; đồng thời công khai, minh bạch hóa kết quả của từng bộ, ngành, địa phương…

Hai là, đổi mới vai trò, chức năng và nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ trên tinh thần Chính phủ kiến tạo, trong đó, nhấn mạnh vai trò kiến tạo để tăng năng suất, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giúp nền kinh tế vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Theo đó, cần cải cách bộ máy, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính phủ điện tử, nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ. Vai trò kiến tạo phải được thể hiện rõ hơn và hiệu quả hơn ở các khía cạnh phát huy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của DN, phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi để khai thác cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần được triển khai hiệu quả như Quyết định số 712/2010/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của DN Việt Nam đến năm 2020”; Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa.

Ba là, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực do Nhà nước phân bổ hoặc tham gia phân bổ như đầu tư công, đất đai, tài nguyên, tài sản nhà nước. Trong đó, tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại đầu tư công, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, tham nhũng, lãng phí, nợ đọng xây dựng cơ bản để nâng cao hiệu quả đầu tư công; đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư nhà nước, cải cách quản trị đối với DNNN; đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại, giao quyền tự chủ đầy đủ đi đôi với giao trách nhiệm rõ ràng cho các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập…

Bốn là, tăng năng suất nội ngành, nâng cấp chuỗi giá trị trong phát triển ngành đối với cả 3 ngành, nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, từ đó thúc đẩy năng suất nội ngành. Các chính sách công nghiệp cần phải được kết hợp, điều phối một cách chặt chẽ và đồng bộ để có hiệu quả cao và đạt được mục tiêu cụ thể trong nâng cấp chuỗi giá trị của các ngành, chú trọng các biện pháp khuyến khích và hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng.

Năm là, ổn định kinh tế vĩ mô và tạo điều kiện thuận lợi cho tăng năng suất. Thực hiện cơ cấu lại ngân sách nhà nước, trong đó tập trung quản lý nợ công theo hướng bảo đảm an toàn, bền vững; Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính – ngân sách nhà nước; Củng cố và phát triển hệ thống tài chính tín dụng lành mạnh, tập trung xử lý có hiệu quả các tổ chức tín dụng yếu kém, tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu của nền kinh tế căn bản và triệt để, phát triển thị trường tài chính cân bằng hơn; Điều hành chủ động, linh hoạt và phối hợp tốt chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác, nhất là chính sách điều chỉnh các loại giá, phí do Nhà nước quản lý.

Sáu là, khuyến khích cộng đồng DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa đổi mới, sáng tạo, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu từ các hoạt động có giá trị gia tăng thấp sang các hoạt động có giá trị gia tăng cao bằng cách tăng cường nguồn vốn con người và tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển; Khuyến khích DN đầu tư cho khoa học và công nghệ là yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm…

Nguồn: Tapchitaichinh.vn

Tin mới