Năng suất – chìa khóa phục hồi tăng trưởng

ESCAP dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực sẽ khoảng 4,5% cho năm nay, Việt Nam sẽ đạt mức 6-8% và lạm phát sẽ hơn 1%.  

“Giai đoạn tiếp theo của tăng trưởng kinh tế ở châu Á – Thái Bình Dương cần dựa vào tăng năng suất trên diện rộng”, Báo cáo khảo sát Kinh tế xã hội châu Á – Thái Bình Dương (ESCAP) vừa công bố hôm 28/4/2016 viết.

Đặc biệt là với Việt Nam – một quốc gia đang trong giai đoạn chuyển đổi về cơ cấu kinh tế nhưng tốc độ tăng năng suất đã và đang chậm lại.

Theo TS.Steve Loris Gui – Diby, chuyên gia UN ESCAP, tăng trưởng ở khu vực đang gặp nhiều bất trắc bởi có nhiều rủi ro kinh tế vĩ mô với các quốc gia tăng trưởng dựa vào xuất khẩu sẽ khó khăn do cầu thế giới đang yếu và nhất là tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc “đang tiết giảm”. “Năng suất suy giảm đã và sẽ tác động đến tăng trưởng của nhiều quốc gia – trong đó có Việt Nam”, ESCAP nhấn mạnh quan ngại này.

Nếu muốn chuyển sang một chiến lược phát triển bền vững hơn dựa vào cầu nội địa, thì cần tập trung hơn vào năng suất và tăng lương thực tế. Năng suất và tiền lương tăng sẽ dẫn dắt cả tổng cung và tổng cầu tăng, nhờ đó cải thiện an sinh.

Vài thập niên qua, khu vực này tăng trưởng tương đối mạnh nhờ lực lượng lao động dựa vào vốn, tài nguyên và đầu tư nước ngoài. Việt Nam cũng vậy. Tăng trưởng kinh tế chỉ bền vững khi dựa trên nền tảng năng suất, nền tảng môi trường kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp và người lao động cùng chia sẻ lợi ích từ quá trình tăng trưởng kinh tế.

Tăng năng suất là vấn đề đầy thách thức. Cải thiện năng suất là vấn đề cấp thiết với Việt Nam. Chính phủ và các bộ chức năng đã có chủ chương, chính sách và giải pháp cho vấn đề này. Nhiều hoạt động đã được khơi gợi ở các ngành và xã hội.

Nhưng theo cách nói của ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM): “Quá trình tăng năng suất của nền kinh tế đang bị “kìm chân”.

Ông chỉ ra 3 thách thức lớn. Đó là tốc độ tăng năng suất giữa các ngành  trong những năm gần đây đã không còn chênh lệch nhiều. Trong đó, ngành công nghiệp – xây dựng được đặt rất nhiều hy vọng về tốc độ tăng trưởng nhưng cải thiện năng suất không có nhiều chuyển biến. Và liệu đây có phải do tăng trưởng dàn đều và thiếu trọng điểm?

Suốt giai đoạn từ 1992 – 2014, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc (4,64%/năm so với 9,07%/năm) và không vượt trội hơn so với các nước ASEAN.

“Cải thiện năng suất không chỉ đơn thuần là chính sách”, theo ông Dương. Ông Dương cho rằng cần có những giải pháp và hành động cụ thể, bắt đầu từ cải cách giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo, và làm thế nào để tạo động lực cho DN giữ được người lao động có kỹ năng, tay nghề.

Cùng quan điểm, chuyên gia UNDP cho rằng muốn nâng cao năng suất phải bắt đầu từ việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo chất lượng y tế, chăm sóc sức khỏe từ hôm nay để có lao động chất lượng và khi về hưu vẫn còn sức khỏe tiếp tục làm việc.

Ông Steve Loris Gui – Diby gợi mở, phân bổ lao động ở Việt Nam chưa tốt và ngày càng tăng khi 40% dân số trong độ tuổi lao động nhưng chỉ có 15% số người lao động tham gia tạo ra sản phẩm, bên cạnh đó đang có sự dư thừa lao động trong nông nghiệp và nông thôn… Vậy, cơ hội tạo việc làm cho họ thế nào và cần chính sách như thế nào để số lao động khu vực phi chính thức của Việt Nam giảm đi và dịch chuyển sang khu vực chính thức?

Nguồn: thoibaonganhang.vn

Tin mới