Năng suất chất lượng quyết định phát triển và hội nhập thành công

Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã tạo ra bước chuyển biến rõ rệt về năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước…

Gia tăng giá trị cho nền kinh tế từ phong trào năng suất chất lượng

Chất lượng ngày nay đã trở thành thách thức lớn đối với bất kỳ doanh nghiệp (DN), quốc gia nào trên thế giới khi nền kinh kế mở cửa hội nhập và người tiêu dùng ngày càng yêu cầu khắt khe về chất lượng hàng hóa. Để khuyến khích các DN Việt Nam nói riêng và người tiêu dùng Việt Nam nói chung quan tâm hơn với chất lượng và tạo ra một phong trào rộng rãi thúc đẩy quá trình nâng cao năng suất, chất lượng, Bộ KH&CN đã bắt đầu bằng Hội nghị chất lượng lần thứ nhất được tổ chức tại Hà Nội, mở ra một thập niên chất lượng mới. Bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Thập niên Chất lượng 1996-2005 đã lôi cuốn mọi người Việt Nam trong từng lĩnh vực công việc của mình quan tâm đến năng suất, chất lượng. Tại Hội nghị đó nhiều chuyên gia đầu ngành trong nước cũng như quốc tế đã trình bày hơn 30 tham luận, báo cáo khoa học theo 5 chuyên đề: Chính sách chất lượng; Quản lý chất lượng toàn diện (TQM) và ISO 9000; Tiêu chuẩn hóa và Môi trường; Quản lý chất lượng thực phẩm; Hỗ trợ quản lý chất lượng cho các DN vừa và nhỏ.

Thập niên Chất lượng lần thứ Hai (2006-2015) với chủ đề “Năng suất Chất lượng- Chìa khóa Phát triển và Hội nhập” được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát động tại Hội nghị Chất lượng Việt Nam lần thứ VI (năm 2005) với mục tiêu: tạo lập uy tín chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá “sản xuất tại Việt Nam” của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế, góp phần tăng cường xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu trong nước, thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước, bảo vệ sức khoẻ, an toàn, môi trường và thực hiện kiểm soát có hiệu lực và hiệu quả đối với các sản phẩm kém chất lượng lưu thông trên thị trường nội địa.

Thập niên Chất lượng lần thứ Hai đã được các cấp, các ngành, các địa phương và doanh nghiệp triển khai thực hiện, hình thành phong trào Năng suất Chất lượng trong phạm vi cả nước, làm cho năng suất chất lượng trở thành yếu tố quyết định để phát triển và hội nhập thành công.

Trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Đảng và Nhà nước đã đặt ra mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, trong đó xác định “Yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng đạt khoảng 35%”. Phần định hướng phát triển kinh tế xã hội về khoa học và công nghệ trong Chiến lược chỉ rõ “Hướng trọng tâm hoạt động khoa học, công nghệ vào phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển theo chiều sâu góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Với mục tiêu, yêu cầu hoàn thiện Hệ thống pháp luật cho lĩnh vực hoạt động Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, tạo hành lang pháp lý và môi trường khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh chủ động, sáng tạo và có trách nhiệm làm ra sản phẩm chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên cơ sở vận dụng các nguyên tắc và tập quán quốc tế trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, phù hợp với điều kiện Việt Nam, trong Thập niên qua Quốc hội đã thông qua Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Đo lường đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, đảm bảo hiệu lực thi hành đối với tất cả các lĩnh vực hoạt động kinh tế – xã hội của đất nước.

Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 21 tháng 5 năm 2010 và giao Bộ KH&CN là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện, điều hành hoạt động của Chương trình và thực hiện 02 dự án chính gồm dự án Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và dự án Thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng. Một trong những mục tiêu mà Chương trình hướng đến là tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước… Trong đó trọng tâm là xây dựng các mô hình điểm về áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng, hệ thống quản lý tiên tiến và hỗ trợ nhân rộng kết quả mô hình điểm tới các doanh nghiệp.

Chương trình được phê duyệt vào đúng thời điểm các doanh nghiệp Việt Nam đang cần một động lực để chuyển mình từ giai đoạn phát triển theo hướng tập trung đầu tư vốn, sử dụng nguồn lao động giá rẻ sang giai đoạn phát triển với cách quản lý hiệu quả, đồng thời cần ứng dụng những tiến bộ KH&CN để tăng cao giá trị hàng hóa. Đặc biệt các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các phương thức quản lý tiên tiến cùng với đội ngũ nhân lực có kỹ năng và chất lượng là những điểm tựa quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập thị trường khu vực và quốc tế. Chương trình được kỳ vọng sẽ cung cấp cho doanh nghiệp có được những mục tiêu và định hướng cơ bản nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Chương trình gồm 09 dự án, trong đó Bộ Khoa học và Công nghệ và 06 Bộ quản lý ngành chủ trì 08 dự án; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì dự án 9 “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương”.

Việc thực hiện lồng ghép các nhiệm vụ của Chương trình với các chương trình, đề án khác của Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu tăng tỷ trọng đóng góp của năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) trong tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước GDP lên 30% vào năm 2015 và 35% vào năm 2020.

Kết quả thực hiện Chương trình giai đoạn I (2010-2015)

Từ năm 2012-2015, các Bộ, ngành tổ chức xây dựng và trình Bộ KH&CN công bố 4.485 TCVN, trong đó có khoảng 2.905 TCVN (65%) hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, nâng tổng số TCVN trong hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế đạt trên 45%, đáp ứng được mục tiêu của giai đoạn I của Chương trình.

Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hiện hành đã có trên 8.600 TCVN cho 98 lĩnh vực, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt trên 45% (so với khi bắt đầu Chương trình, tháng 03/2012, Hệ thống TCVN có khoảng 6.500 TCVN; tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt 38%). Việc xây dựng, công bố các TCVN giúp doanh nghiệp có chiến lược sản xuất và kinh doanh hợp lý; kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng; thúc đẩy doanh nghiệp công bố hợp chuẩn cho các SPHH, thông qua đó ngày càng có nhiều SPHH có chất lượng cao và ổn định.

Nhiều doanh nghiệp áp dụng thành công các dự án nâng cao năng suất chất lượng, giảm thiểu lãng phí, hoạt động hiệu quả, tăng trưởng bền vững Nhiều doanh nghiệp áp dụng thành công các dự án nâng cao năng suất chất lượng, giảm thiểu lãng phí, hoạt động hiệu quả, tăng trưởng bền vững

Năng suất, chất lượng SPHH ngành Công nghiệp, Nông nghiệp được nâng cao. Với mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa công nghiệp chủ lực trên cơ sở áp dụng các giải pháp quản lý, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ, đầu tư nhằm tạo sự chuyển dịch cơ bản từ năng suất, chất lượng thấp, giá trị gia tăng thấp, công nghệ thấp sang năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao, công nghệ có hàm lượng khoa học cao, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong tốc độ tăng sản phẩm trong nước (GDP); một số sản phẩm, hàng hóa công nghiệp có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của ngành Nông nghiệp cũng được triển khai thực hiện thông qua việc lồng ghép với các chương trình, dự án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có cùng mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng SPHH.

Hoạt động nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN nhỏ và vừa tại địa phương giai đoạn vừa qua cũng đạt được những thành tựu đáng kể. Theo báo cáo sơ bộ từ các tỉnh, thành phố, đến nay đã có khoảng 1.000 DN được hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng từ các dự án địa phương; 150 DN được tư vấn, hỗ trợ tham gia hoạt động Giải thưởng chất lượng Quốc gia; hàng nghìn DN được tư vấn về sở hữu trí tuệ, hướng dẫn, tư vấn về đổi mới công nghệ.

Có thể nói, hoạt động năng suất chất lượng của các địa phương đã tạo dựng, thúc đẩy phong trào năng suất chất lượng phát triển rộng khắp, đáp ứng mục tiêu “Xây dựng phong trào năng suất và chất lượng tại 40 tỉnh, thành phố trong cả nước”.

Với gần nửa chặng đường, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do suy thoái chung của kinh tế thế giới, nguồn lực dành cho Chương trình còn hạn hẹp, tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, sự chủ động, tích cực của Bộ Khoa học và Công nghệ, sự phối hợp có hiệu quả của các Bộ, ngành, địa phương và sự nỗ lực của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Chương trình đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, các mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2011-2015 cơ bản đáp ứng. Chương trình có thể đạt được các mục tiêu cao hơn, nếu có sự tham gia đồng đều hơn của các Bộ, ngành được Chính phủ giao chủ trì các dự án NSCL ngành Xây dựng, Y tế, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông và một số địa phương.

TS. Ngô Quý Việt – Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Tin mới