Trong quản lý sản xuất, các nhà máy cần đạt được cả ba yếu tố: giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Năng suất
Năng suất được xác định như thế nào? Năng suất cần được xem xét đến tính hiệu quả. Ví dụ nếu nói rằng năng suất là sản lượng làm ra trên một đơn vị thời gian (năng suất lao động) thì cần phải xem xét đến giá trị của thời gian thực hiện này. Công của người thợ bậc 7 sẽ khác với công của người thợ bậc 4, do đó hiểu như thế sẽ không được chính xác, vì vậy cần được hiểu đúng về năng suất. Như vậy, trong quản lý năng suất, không chỉ cần quan tâm đến năng suất mà cần quan tâm đến chi phí sản xuất tương ứng.
Chất lượng sản phẩm
Chất lượng sản phẩm là gì? Chất lượng được hiểu là làm sao đem đến cho khách hàng những sản phẩm đạt chất lượng theo yêu cầu của khách hàng. Việc đảm bảo chất lượng sản phẩm đúng như yêu cầu sẽ cần loại bỏ những sản phẩm lỗi, qua đó giảm được lãng phí do tái chế trong quá trình sản xuất, đồng nghĩa với việc giảm chi phí sản xuất. Một ví dụ về tính tỷ lệ sản phẩm lỗi rất phổ biến trong ngành nhựa hiện nay: nếu đến một doanh nghiệp nhựa hỏi tỷ lệ sản phẩm lỗi là bao nhiêu %, thì sẽ nhận được một con số rất ấn tượng, dưới 1%, nhưng thật ra là bao nhiêu? Phải khoảng 20 – 30%. Tại sao lại có sự sai biệt lớn như thế? Vì doanh nghiệp không đưa những số liệu về số sản phẩm lỗi được tái chế, tỷ lệ lượng dư gia công cao hơn định mức vào. Trong quản lý, đây cũng phải được tính là tỷ lệ mất chất lượng, chứ đâu thể chỉ lấy số lượng sản phẩm đầu ra so với tổng nguyên liệu đầu vào? Nhờ vậy chúng ta mới có thể đưa ra những giải pháp khắc phục để nâng cao chất lượng sản xuất và từ đó giảm chi phí.
Chi phí sản xuất
Chi phí sản xuất có thể hiểu như thế nào? Từ 2 khái niệm về năng suất và chất lượng trên, cho thấy năng suất và chất lượng ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất. Việc quản lý chi phí sản xuất được thực hiện thông qua các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, thông qua các giải phápxác định và loại bỏ lãng phí trong quá trình sản xuất: những phế phẩm, phế liệu, những thao tác thừa, những di chuyển không phù hợp … để có biện pháp loại trừ chúng, từ đó chi phí được tiết giảm, chất lượng hệ thống cũng sẽ được quản lý tốt hơn, và thế là năng suất cũng gia tăng theo đó.
Năng suất, chất lượng và chi phí có mối quan hệ chặt chẽ, quản lý chất lượng tốt, dẫn đến năng suất cao, và chi phí giảm. Trong quản lý, nên tập trung định hướng vào một trong ba yếu tố trên, và dù với định hướng nào cũng sẽ đều đạt được kết quả với cả ba. Vì muốn đạt kết quả tốt ở mặt này, thì đều phải có các giải pháp liên quan đến hai mặt kia.
Văn phòng NSCL (tổng hợp)