Năng suất các yếu tố tổng hợp thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho doanh nghiệp

Năng suất được hiểu khái quát là quan hệ so sánh giữa đầu ra và đầu vào. Tùy theo các đầu ra, đầu vào khác nhau sẽ có các chỉ số năng suất khác nhau. Để cải tiến năng suất không nhất thiết phải tăng vốn hay tăng lao động mà kết quả đầu ra vẫn có thể khả quan hơn nếu khai thác, sử dụng tối ưu nguồn lao động và vốn đầu tư bằng việc tăng cường phối hợp sử dụng hiệu quả các yếu tố đầu vào, kết hợp với cải tiến tổ chức sản xuất, đổi mới nâng cao trình độ công nghệ, đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ mới… sẽ tạo nên một nhân tố mới đóng vai trò tích cực tạo ra giá trị gia tăng cao.

Cơ hội cho các doanh nghiệp địa phương Bên cạnh sự đóng góp của nhân tố đầu vào hữu hình có thể định lượng, xuất hiện phần giá trị mới do nhân tố vô hình tạo ra, phần giá trị này được thể hiện thông qua khái niệm là năng suất các yếu tố tổng hợp. Đây là nhân tố vô hình góp phần nâng cao hiệu quả của sản xuất trong doanh nghiệp do nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và lao động (nhân tố hữu hình) bằng tác động của việc đổi mới công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến quản lý, nâng cao trình độ lao động… Tuy nhiên, việc định lượng giá trị chính xác năng suất các yếu tố tổng hợp trong thực tiễn sản xuất của doanh nghiệp là không dễ. Đến nay, việc tính toán này vẫn chưa thực sự hỗ trợ cho doanh nghiệp, doanh nghiệp khoa học công nghệ địa phương. Để có tăng trưởng sản xuất, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, doanh nghiệp cần khai thác triệt để sự tăng giá trị năng suất các yếu tố tổng hợp. Đây là yếu tố làm tăng trưởng bền vững cho các doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp địa phương chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ. Theo phân tích, đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, nguồn lực hữu hình về cơ bản đã được khai thác triệt để, bao gồm vốn đã được huy động sử dụng trong khi lãi suất ngân hàng cao nên lợi nhuận thấp, chi phí lao động đã giảm tối đa với chi phí nhân công thấp. Tuy đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp địa phương ứng dụng đổi mới công nghệ, cơ cấu lại lao động và áp dụng các biện pháp quản lý mới để tạo ra các giá trị gia tăng cao, nhất là các sản phẩm công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương để tạo nên sự đổi mới doanh nghiệp hình thành các doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Khai thác hiệu quả hành lang pháp lý Nghị định 80/2007/NĐ – CP và Thông tư liên tịch số 06/TTLT – BKHCN – BTC – BNV hướng dẫn thực hiện nghị định ban hành mở đường cho các cá nhân, tổ chức Việt Nam, nước ngoài có quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để tạo dựng và phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ. Với cơ chế mới không chỉ giúp đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm hàng hóa, là kết quả của hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ mà còn hình thành và phát triển thị trường công nghệ, tạo ra những biến chuyển lớn nhằm xây dựng được những doanh nghiệp tư nhân có năng lực trong ươm tạo, chuyển giao và làm chủ trong nghiên cứu, phát triển công nghệ ở một số lĩnh vực quan trọng như thông tin và truyền thông; sinh học; tự động hóa; bảo vệ môi trường… Như vậy, về cơ bản hành lang pháp lý cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khoa học công nghệ nói riêng ở các địa phương đã hình thành, cần khai thác nhanh chóng đưa vào áp dụng trong thực tiễn. Cần thực hiện việc phân tích và phân tích đúng được giá trị của năng suất các yếu tố tổng hợp trong từng hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng mô hình doanh nghiệp, từng lĩnh vực, sản phẩm và từng địa phương để đạt được giá trị gia tăng cao trong sản xuất, nhất là đối với doanh nghiệp khoa học công nghệ. Về lý thuyết một số mô hình tính toán và phân tích thực hiện dựa trên hàm sản xuất Cobb – Douglas được tính như sau: Y = A x Kα x Lβ, trong đó A chính là năng suất các yếu tố tổng hợp, nâng cao năng suất các yếu tố tổng hợp tức là nâng cao hơn kết quả sản xuất với cùng đầu vào. Đối với người lao động, nâng cao năng suất các yếu tố tổng hợp sẽ góp phần nâng lương, thưởng, điều kiện lao động được cải thiện. Còn đối với doanh nghiệp, khả năng mở rộng tái sản xuất, đối với nền kinh tế sẽ nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao phúc lợi xã hội. Đối với mô hình doanh nghiệp địa phương là vừa và nhỏ, vai trò của vốn (K) và lao động (L) là như nhau, không thể liên tục tăng. Để tăng giá trị của Y, chỉ có thể tăng giá trị của năng suất các yếu tố tổng hợp (A). Với đặc điểm chung là nhỏ, linh hoạt, dễ chuyển đổi, dễ tiết kiệm chi phí sản xuất, dễ đổi mới và áp dụng các công nghệ mới trong quá trình tổ chức sản xuất. Tuy nhiên, yếu điểm của doanh nghiệp địa phương là ít vốn, trình độ nhân lực kể cả quản lý và sản xuất đều yếu. Do vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp địa phương trong sản xuất nâng cao năng suất chất lượng, các cơ quan quản lý nhà nước về khoa học công nghệ địa phương cần thực hiện một số nội dung như: thứ nhất, xây dựng, ban hành mẫu biểu, phương pháp thu thập ghi chép, xử lý và lưu trữ số liệu thống kê sử dụng cho các doanh nghiệp. Thứ hai, nghiên cứu thực trạng và xây dựng hệ thống chỉ tiêu năng suất các yếu tố tổng hợp đối với doanh nghiệp khoa học công nghệ, xây dựng mô hình phân tích năng suất phù hợp với thực tiễn; chú trọng nâng cao năng suất yếu tố tổng hợp đối với việc tiết kiệm các chi phí sản xuất; sự biến động của các yếu tố trong sự so sánh trong nước, khu vực và quốc tế. Thứ ba, xây dựng và thực hiện tốt các chế độ báo cáo thống kê, điều tra chọn mẫu nhằm bổ sung số liệu phân tích năng suất và năng suất tổng hợp cho từng sản phẩm khoa học công nghệ mới; hình thành ngân hàng dữ liệu phục vụ phân tích năng suất các yếu tố tổng hợp; tính toán các chỉ tiêu, cách phân tích chỉ tiêu cho các sản phẩm khoa học công nghệ trong các doanh nghiệp khoa học công nghệ địa phương. Năng suất, năng suất các yếu tố tổng hợp nhằm đổi mới, nâng cao giá trị sản xuất hàng hoá trong doanh nghiệp khoa học và công nghệ địa phương. Hy vọng việc sử dụng, khai thác sẽ sớm triển khai nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và doanh nghiệp khoa học công nghệ trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh sản xuất đem lại giá trị gia tăng cao phục vụ quá trình phát triển KT – XH của từng địa phương.

TS. Nguyễn Huy Cường Ban Khoa học và Công nghệ địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ Nguồn: http://daibieunhandan.vn/

Tin mới