Gần đây, chúng ta thường được nghe nhiều hơn đến cụm từ Năng suất các nhân tố tổng hợp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cụ thể là chỉ tiêu này được đề cập đến trong mục tiêu của các chương trình, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia hay các địa phương . Ví dụ như trong quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” có nêu tại mục tiêu cụ thể là: góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của Năng suất các nhân tố tổng hợp (Total Factor Productivity – TFP) trong tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) lên 30% vào năm 2015 và lên ít nhất 35% vào năm 2020. Hoặc trong Quyết định số 898/QĐ-UBND ngày 13/5/2013 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về phê duyệt đề án “ Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm khoa học và công nghệ của cả nước” có nêu tại mục tiêu cụ thể là: tăng chỉ số đóng góp TFP trong GDP của Tỉnh đạt trên 32% vào năm 2015 và 35% vào năm 2020. Ngoài ra, thực hiện quyết định số 712 của Thủ tướng Chính phủ, khi xây dựng các dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố đến năm 2020, các địa phương cũng đều đưa chỉ tiêu Năng suất các nhân tố tổng hợp vào mục tiêu của dự án.
Vậy, Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) là gì? TFP ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển KT-XH của quốc gia, của các địa phương và của các doanh nghiệp là các vấn đề chúng ta cần quan tâm, tìm hiểu.
Như chúng ta đã biết, sự phát triển kinh tế của nước ta trong những thập kỷ qua chủ yếu phụ thuộc vào sự tích luỹ của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ( FDI). Điều này đã đưa đất nước chúng ta từ nền kinh tế nông nghiệp đến những bước đầu của nền kinh tế công nghiệp hoá. Khi các yếu tố đầu vào (nhân công, nguyên liệu…) sẵn có và rẻ thì rất thuận lợi cho kinh tế chúng ta phát triển. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào yếu tố đầu vào lại có nhược điểm đó là sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên. Do đó, khi nền kinh tế phát triển ở mức cao hơn, bên cạnh chiến lược tăng trưởng dựa vào đầu vào , thì cũng phải định hướng vào nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn và lao động, đó chính là nâng cao TFP .
Như vậy, có thể hiểu TFP là chỉ tiêu đo lường năng suất của đồng thời cả “lao động” và “vốn” trong một hoạt động cụ thể hay cho cả nền kinh tế. TFP phản ánh sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật và công nghệ, qua đó sự gia tăng đầu ra không chỉ phụ thuộc vào tăng thêm về số lượng của đầu vào (phương thức truyền thống) mà còn tuỳ thuộc vào chất lượng các yếu tố đầu vào là lao động và vốn.
Theo đó, nâng cao TFP là biện pháp gia tăng đầu ra bằng việc nâng cao chất lượng của các yếu tố đầu vào là lao động và vốn. Cùng với lượng đầu vào như nhau, lượng đầu ra có thể lớn hơn nhờ vào vào việc cải tiến chất lượng của lao động, vốn và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực này. Vì vậy, tăng TFP gắn liền với áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, đổi mới công nghệ, cải tiến phương thức quản lý, nâng cao kỹ năng, trình độ tay nghề của người lao động….
Hiện nay, có nhiều cách tính TFP, nhưng phổ biến là theo hàm sản xuất Cobb-Douglas:
Y = AKa L1-a
Trong đó:
– Y là tổng đầu ra;
– K là vốn đầu vào;
– L là lao động đầu vào;
– A là TFP;
– α và 1-α là độ co giãn ( hệ số đóng góp) của đầu ra tương ứng với lao động và vốn.
Dựa vào các kết quả nghiên cứu, Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) đã nêu nguồn tăng TFP chủ yếu dựa vào 5 yếu tố chính như sau:
a) Chất lượng lao động: trình độ học vấn liên quan đến khả năng tiếp thu, ứng dụng những tiến bộ khoa học và công nghệ; Đào tạo nâng cao kỹ năng, tay nghề của người lao động; Đào tạo chuyển giao công nghệ. Đầu tư vào nguồn nhân lực làm tăng khả năng và năng lực của lực lượng lao động trong việc sản xuất ra các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao là yếu tố rất đóng góp rất quan trọng làm tắng TFP.
b) Thay đổi nhu cầu hàng hoá, dịch vụ: tác động tới TFP thông qua việc tăng nhu cầu trong nước và xuất khẩu về sản phẩm, hàng hoá là cơ sở quan trọng để sử dụng tối ưu các nguồn lực.
c) Thay đổi cơ cấu vốn: tăng cường đầu tư công nghệ tiên tiến như công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ hiện đại và tự động hoá. Yếu tố này thể hiện việc đầu tư vốn vào những lĩnh vực có năng suất cao, từ đó sẽ nâng cao hiệu quả của cả nền kinh tế.
d) Thay đổi cơ cấu kinh tế: là việc phân bổ các nguồn lực phát triển kinh tế giữa các ngành và thành phần kinh tế, các nguồn lực sẽ được phân bổ nhiều hơn cho các ngành hoặc thành phần kinh tế có năng suất cao hơn, từ đó đóng góp vào việc tăng TFP.
e) Áp dụng tiến bộ kỹ thuật: thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, đổi mới; nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, cải tiến quy trình sản xuất; công nghệ quản lý tiên tiến ( hệ thống, công cụ quản lý tiên tiến…). Yếu tố này bao hàm các hoạt động như đổi mới, nghiên cứu phát triển, thái độ làm việc tích cực, hệ thống quản lý, hệ thống tổ chức… tác động làm nâng cao năng suất.
Trong 5 yếu tố chính đóng góp vào tăng TFP như đã nêu trên, 03 yếu tố được xác định là thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ, tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến các tổ chức, doanh nghiệp, đó là: Áp dụng tiến bộ kỹ thuật; Chất lượng lao động và Thay đổi cơ cấu vốn.
Để hiểu rõ hơn, chúng ta tìm hiểu báo cáo Năng suất năm 2012 của Tổ chức Châu Á (APO) về tình hình năng suất của các quốc gia Châu Á. Báo cáo này cho thấy trong giai đoạn 2005-2010, mức đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP của nhiều quốc gia ở mức trên 40%; như Hàn Quốc đạt 63%, Đài Loan: 59%, Ấn độ :48%, Indonesia: 42%, Philippine: 41%; Riêng đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP của Vệt Nam giai đoạn 2005-2010 là – 6% ( Trích trong Tạp chí Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, số 7-8, tháng 4/2013).
Điều này cho thấy cho thấy các quốc gia trên đã làm tốt việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa vào khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực là vốn và lao động; còn Việt Nam, tăng GDP giai đoạn này phụ thuộc chủ yếu vào tăng vốn và lao động, chứ không nâng cao được hiệu quả sử dụng các nguồn lực, vì vậy đóng góp của TFP là giá trị âm.
Ngày nay, chúng ta có thể thấy, mục tiêu hàng đầu của nâng cao năng suất là nâng cao chất lượng cuộc sống của con người; và kết quả của nâng cao năng suất là giúp nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng cao khả năng cạnh tranh của các tổ chức, doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Trong đó, nâng cao TFP tức là nâng cao hơn kết quả sản xuất với cùng đầu vào. Điều này là rất quan trọng đối với người lao động, doanh nghiệp và toàn nền kinh tế. Đối với người lao động, nâng cao TFP sẽ góp phần nâng lương, nâng thưởng, điều kiện lao động được cải thiện, công việc ổn định hơn. Đối với doanh nghiệp thì có khả năng mở rộng tái sản xuất. Còn đối với nền kinh tế sẽ nâng cao sức cạnh tranh trên trường quốc tế, nâng cao phúc lợi xã hội.
Trần Quốc Thắng skhcn.thuathienhue.gov.vn