Nâng hiệu suất đốt than trong các nhà máy nhiệt điện

Hội Khoa học-Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam đã nghiên cứu và áp dụng thành công để án Công nghệ đốt than trộn giữa than trong nước khó cháy với than nhập khẩu dễ cháy nhằm nâng cao hiệu suất đốt than ở các nhà máy nhiệt điện.

Với việc nhiều nhà máy được đầu tư trên cả nước, nhiệt điện than hiện nay đang chiếm một tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản xuất điện năng của Việt Nam. Chính vì vậy, vấn đề nâng cao hiệu suất đốt than trong các lò đốt, giảm lượng than bị thất thoát qua xỉ, muội than, tro bay ngày càng trở nên cấp thiết hơn.

Hiện nay hầu hết các nhà máy nhiệt điện chạy than ở nước ta được thiết kế chỉ để sử dụng loại than antraxit sẵn có trong nước. Đây là một loại than có hàm lượng chất bốc thấp, khó cháy, hiệu suất cháy không cao. Do đó, Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu đề tài nâng cao hiệu suất đốt của lò hơi nhiệt điện bằng phương pháp trộn than antraxit  với các loại than khác nhằm tăng hiệu suất đốt. Nhiệm vụ của đề tài là phải tìm ra được loại than phù hợp và tỷ lệ phối trộn thích hợp sao cho tăng được hiệu suất cháy mà không phải cải tạo hệ thống thiết bị.

Qua quá trình nghiên cứu, nhóm đề tài đã đưa ra giải pháp là sử dụng loại than á bitum có hàm lượng chất bốc cao để phối trộn. Quá trình thử nghiệm hơn 1 năm nay được nhóm thực hiện tại nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình đã mang lại nhiều kết quả đáng mong đợi như sau:

  1. Việc sử dụng hỗn hợp than trộn giúp buồng cháy ổn định, việc bắt cháy dễ dàng hơn trong khi việc điều chỉnh thiết bị vẫn thuận lợi, không gặp khó khăn.
  2. Sau gần 1 năm áp dụng, nhà máy tiết kiệm được 640 tấn than tương đương giá trị 12 tỷ đồng.
  3. Lượng phát thải xỉ, tro bay ra môi trường giảm so với trước đây.
  4. Hiệu suất cháy đạt 84-85% so với trước đấy là 82%.
  5. Hàm lượng khí NOx trong khói thải giảm 10-15%.
  6. Do hàm lượng bụi, khí thải ra thấp hơn nên việc xử lý bằng các hệ thống lọc bụi tĩnh điện, rửa bụi bằng tháp đệm không cần chạy hết công suất, tăng tính ổn định trong vận hành và đảm bảo độ bền cho thiết bị.
  7. Hiện tượng kẹt sỉ giảm giúp đảm bảo sự ổn định của lò đốt.

Sau quá trình thử nghiệm gần 1 năm, tỷ lệ phối trộn thích hợp nhất mà nhóm nghiên cứu ghi nhận được là 10-20% than nhập ngoại. Có thể nói ngoài các lợi ích về kinh tế, môi trường, việc ứng dụng công nghệ trong nhiều nhà máy còn giúp cho các nhà hoạch định lập được một kế hoạch phát triển bền vững cho ngành năng lượng Việt Nam.

Văn phòng NSCL (tổng hợp)

Tin mới