Xây dựng được công nghệ, chế tạo được hệ thống bảo quản trà đen bằng tổ hợp Silo có sử dụng bơm nhiệt, sẽ đảm bảo ổn định chất lượng trà xuất khẩu.
Đó là kết quả đạt được của Đề tài “Nghiên cứu công nghệ và hệ thống thiết bị bảo quản chè bằng tổ hợp Silo có sử dụng bơm nhiệt” do TS Nguyễn Năng Nhượng, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Chủ nhiệm triển khai trong thời gian qua.
Áp dụng KH&CN bảo quản trà
Hiện nay diện tích trồng chè của Việt Nam khoảng 135.000 ha, trong đó diện tích kinh doanh khoảng 105.000 ha, năng suất bình quân đạt khoảng 7,7 tấn búp tươi/ha tập trung ở các vùng trung du và miền núi phía bắc, cao nguyên Lâm Đồng. Trong số này sản phẩm trà đen chiếm 60%, trà xanh chiếm 35% còn lại là các loại trà khác.
Thị trường trà trong nước và xuất khẩu rất rộng lớn. Trà của Việt Nam đã có mặt trên gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 6 thế giới về sản lượng và thứ 5 về xuất khẩu.
Tuy nhiên, sản phẩm trà Việt Nam có tính cạnh tranh thấp, xuất khẩu chủ yếu ở dạng nguyên liệu thô, chiếm tới 95% sản lượng, và chỉ khoảng 5% ở dạng thành phẩm với giá thành thấp. Trà Việt Nam không có “tên tuổi” trên thị trường quốc tế. Năm 2013 giá trà đen xuất khẩu trung bình của Việt Nam là 1,8 USD/kg, trong khi giá bình quân của trà đen trên thị trường thế giới là 2,4 USD/kg. Đến năm 2014, giá trà đen của Việt Nam giảm xuống còn 1,4 USD/kg.
Nguyên nhân chính khiến giá trà đen Việt Nam thấp là không ổn định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm không đảm bảo và hơn nữa thương hiệu chưa được khẳng định trên thị trường. Ở Việt Nam, sản phẩm trà đen chủ yếu được xuất khẩu dạng rời, đóng gói trong bao bì lớn, trong khi hình thức đóng gói sản phẩm rất quan trọng. Trà đen chiếm đến 80% sản lượng trà xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, trà đen mẫn cảm với nhiệt độ và độ ẩm không khí ở môi trường xung quanh. Do đó, để tích trữ một lượng đủ lớn và đảm bảo chất lượng phục vụ xuất khẩu, các doanh nghiệp phải sấy lại, bảo quản kín, định lượng và phối trộn theo một tỷ lệ nhất định.
Việc bảo quản trà từ cuối vụ sang đầu vụ sau thường được thực hiện bằng phương pháp thủ công, do đó chất lượng trà không đảm bảo các chỉ tiêu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các công đoạn định lượng, phối trộn và cân đóng, bảo quản trà đen tại Việt Nam hiện vẫn chủ yếu thực hiện bằng thủ công, do vậy chất lượng chè sản phẩm thấp và không ổn định. Đây được coi là lý do chính làm sản phẩm trà đen của Việt Nam có tính cạnh tranh thấp hơn trên thị trường thế giới.
Tại các nước phát triển, nguyên liệu chè được nhập từ các nước như Ấn Độ, Sri Lanka, Kenya, Việt Nam về để phối trộn, đóng gói và phân phối cho người tiêu dùng, trà đến tay người tiêu dùng đều được đóng trong các gói chuyên dụng. Hệ thống thiết bị tại các cơ sở này đồng bộ, hiện đại. Công đoạn vận chuyển trà vào các silo chứa và vận chuyển từ silo đến các công đoạn định lượng, phối trộn và đóng bao chủ yếu bằng phương pháp khí động. Để giảm ảnh hưởng đến hình thức và hương vị trà thì giải pháp là vận chuyển pha đặc. Đây là công nghệ tiên tiến, tuy nhiên đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao và giá thành dây chuyền thiết bị rất cao, chưa phù hợp với điều kiện sản xuất ở Việt Nam.
Theo TS Nguyễn Năng Nhượng, để đảm bảo chất lượng trà đen trong hệ thống vận chuyển, bảo quản định lượng và phối trộn, có thể sử dụng thiết bị như khâu vận chuyển cần gầu tải hình chữ Z kết hợp với máng rung và thiết bị phân phối dạng van quay; khâu chứa và bảo quản trong các silo chứa; thiết bị định lượng theo thể tích thông qua các băng tải định lượng và sử dụng thiết bị trộn dạng thùng quay.
Với những cơ sở trên, TS Nguyễn Năng Nhượng và các cộng sự thuộc Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đã đề xuất và được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt thực hiện Đề tài “Nghiên cứu công nghệ và hệ thống thiết bị bảo quản chè bằng tổ hợp silo có sử dụng bơm nhiệt” mã số KC.07.04/11-15.
Đề tài được triển khai với mục tiêu chính là xây dựng được công nghệ và chế tạo được hệ thống thiết bị bảo quản trà đen bằng tổ hợp Silo có sử dung bơm nhiệt, đảm bảo ổn định chất lượng sản phẩm trà xuất khẩu.