Tính đến hết năm 2019, số lượng TCVN liên quan đến ngành Công Thương khoảng 6.387 TCVN (chiếm 53% tổng số TCVN), số lượng QCVN của Bộ Công Thương là 46 QCVN, chiếm khoảng 7%. Từ thực hiện Dự án, đã triển khai xây dựng 71 dự thảo/tiêu chuẩn TCVN, 62 dự thảo/ QCVN; triển khai xây dựng và trình Bộ trưởng ban hành Lộ trình hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành Công Thương đến năm 2025; theo đó, đến năm 2025 sẽ hoàn thành việc xây dựng 70 QCVN và 17 TCVN đối với các sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương với mục tiêu bao quát và điều tiết đầy đủ các hoạt động của ngành Công Thương, đồng bộ về bố cục và nội dung, có tính hội nhập quốc tế cao.
Trong năm 2019 – 2020, Bộ Công Thương đã hỗ trợ đầu tư tăng cường năng lực cho Phòng thử nghiệm trong lĩnh vực giấy, bao bì; hỗ trợ 15 Phòng thí nghiệm triển khai, áp dụng mới/chuyển đổi theo tiêu chuẩn ISO 17025:2016, góp phần tăng cường năng lực cho hoạt động thử nghiệm, đánh giá sự phù hợp, từ đó phục vụ tốt hơn mục tiêu quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa của ngành Công Thương.
PV: Ông đánh giá thế nào về sự lan tỏa của Dự án. Những tác động mà Dự án mang lại cho doanh nghiệp?
Vụ trưởng Trần Việt Hòa: Đối tượng trung tâm trong triển khai tất cả các hoạt động Dự án của Bộ Công Thương chính là doanh nghiệp cũng như mục tiêu thúc đẩy triển khai các hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng.
Kết quả khảo sát của Bộ Công Thương về hoạt động nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành Công nghiệp 2012-2020 cho thấy, 99,3% doanh nghiệp đánh giá hoạt động mang lại hiệu quả, trong đó, yếu tố được cải thiện nhiều nhất là năng lực tự thực hiện cải tiến của doanh nghiệp (98%), 64,7% các doanh nghiệp có cải thiện về năng suất, 56,9% doanh nghiệp có cải thiện về chất lượng sản phẩm, giảm thiểu lãng phí nguyên nhiên vật liệu, 54,2%, 47,1% doanh nghiệp có cải thiện về thời gian giao hàng…
Hỗ trợ của Dự án cũng giúp các doanh nghiệp đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe về hệ thống quản lý, chất lượng sản phẩm của nhà nhập khẩu, chuỗi cung ứng của các nhà gia công lắp ráp. Theo báo cáo của các doanh nghiệp điểm, hiện có 94,8% mô hình tiếp tục duy trì sau khi kết thức dự án, trong đó 22,2% mô hình được mở rộng.
Đáng chú ý là, trước khi triển khai Dự án, trong phạm vi khảo sát chuyên đề 2.450 doanh nghiệp trong 10 nhóm ngành thuộc 61/63 tỉnh, thành trên cả nước, có đến 62% doanh nghiệp hoàn toàn không biết đến Chương trình Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp giai đoạn 2012 – 2020 của Bộ Công Thương, chỉ có 38% doanh nghiệp có hiểu biết về các hoạt động của Dự án này.
Trong số đó, nguồn thông tin tiếp cận chủ yếu đến từ Bộ Công Thương, tiếp đến Sở Công Thương, và từ các nguồn khác. Kênh thông tin được nhiều DN biết đến nhiều nhất là thông qua báo đài, áp phích, kế đến là thông qua các chương trình hội thảo, tập huấn, chương trình của Trung ương, còn lại các kênh thông tin khác như chương trình địa phương, tờ rơi, áp phích chiếm tỷ lệ không đáng kể.
PV: Như vậy, trong giai đoạn 2 của Dự án, Bộ Công Thương sẽ chú trọng vào những lĩnh vực nào để hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất, thưa ông?
Vụ trưởng Trần Việt Hòa: Xây dựng giai đoạn 2 của Dự án này sẽ được thực hiện trên cơ sở phát huy những thành công, đồng thời khắc phục những hạn chế trong tiếp cận và triển khai ở giai đoạn 1.
Theo đó, ưu tiên phát triển theo chiều rộng và chiều sâu, bao gồm tập trung vào đào tạo đội ngũ cán bộ thực hành cải tiến tại doanh nghiệp và đội ngũ chuyên gia tư vấn, vinh danh các doanh nghiệp thực hiện tốt hoạt động cải tiến; vinh danh các nhóm giải pháp hiệu quả, điển hình cho hoạt động cải tiến trong ngành, lĩnh vực.
Mặt khác, tập trung xây dựng các mô hình tổng thể triển khai các hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất và chất lượng tại doanh nghiệp, từng bước hình thành các mô hình quản trị thông minh, nhà máy số. Đồng thời, lựa chọn đầu tư, hỗ trợ đầu tư theo chiều sâu nhằm tăng cường năng lực cho một số đơn vị nghiên cứu, tư vấn chuyên ngành trong việc nghiên cứu, làm chủ, ứng dụng các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào trong hoạt động sản xuất, quản trị, kinh doanh của doanh nghiệp nhằm mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Bộ Công Thương đang trong quá trình triển khai xây dựng Dự án giai đoạn 2 và nhận được sự tham gia hết sức tích cực của các chuyên gia, cán bộ đến từ các đơn vị tư vấn, viện, trường, đơn vị cung cấp giải pháp, công nghệ, các hiệp hội và đặc biệt từ bản thân các doanh nghiệp. Tổ công tác soạn thảo Dự án đang gấp rút hoàn thiện để sớm trình Thủ tướng Chính phủ làm căn cứ để triển khai Chương trình trong giai đoạn 2.
Rất hy vọng Dự án giai đoạn 2 sẽ tiếp tục mang lại những hiệu quả và đột phá đối với vấn đề nâng cao năng suất và chất lượng của các doanh nghiệp ngành Công Thương.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.
Nguồn: tapchicongthuong