Cuộc trò chuyện với ông Trần Việt Hòa – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ đã cho thấy những kết quả của Dự án trong giai đoạn qua cũng như những giải pháp ưu tiên của Bộ Công Thương trong thời gian tới.
Được đánh giá là đơn vị đi đầu trong triển khai Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, Bộ Công Thương đã có nhiều nỗ lực trong triển khai Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp”. Cuộc trò chuyện với ông Trần Việt Hòa – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ đã cho thấy những kết quả của Dự án trong giai đoạn qua cũng như những giải pháp ưu tiên của Bộ Công Thương trong thời gian tới.
PV: Nhìn lại một thập kỷ năng suất chất lượng ngành Công Thương, theo ông điều quan trọng Dự án đạt được là gì?
Vụ trưởng Trần Việt Hòa: Dự án của Bộ Công Thương được phê duyệt vào giữa năm 2012. Để thực hiện Dự án, Bộ Công Thương đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo, điều hành và cơ quan giúp việc đặt tại Vụ Khoa học và Công nghệ để tổ chức, thực hiện. Việc triển khai Dự án trong giai đoạn 2012 – 2020 của Bộ Công Thương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó có thể tóm lược lại thành 3 thành tựu.
Thứ nhất, Dự án đã xây dựng được các điển hình thành công thực hiện hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng cho các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp ưu tiên; tạo nền tảng cho việc duy trì, phát triển các hoạt động trong nội tại doanh nghiệp và từng bước tạo các hiệu ứng lan tỏa. Tính đến hết giai đoạn Dự án, Bộ Công Thương triển khai xây dựng 468 mô hình điểm áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến hiện đại, tập trung chủ yếu cho 08 ngành, lĩnh vực ưu tiên được phê duyệt tại Quyết định 604/QĐ-TTg. Trong năm 2019 – 2020, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh triển khai các mô hình điểm ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị doanh nghiệp, xây dựng các công cụ số hóa để hỗ trợ triển khai mở rộng các công cụ truyền thống.
Thứ hai, nâng cao nhận thức và năng lực thực thiện các hoạt động cải tiến năng suất, chất lượng cho các doanh nghiệp. Ngoài các khóa tập huấn được triển khai độc lập, hoạt động đào tạo được triển khai đồng thời trong quá trình xây dựng các mô hình điểm. Ngoài ra, Bộ Công Thương đã tiến hành đào tạo để hình thành mạng lưới các chuyên gia tư vấn cải tiến tại các đơn vị cung cấp tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp cũng như đội ngũ cán bộ tại doanh nghiệp.
Thứ ba, góp phần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) và nâng cao năng lực của hệ thống các phòng thí nghiệm, phục vụ công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa của Bộ Công Thương.
Nguồn: tapchicongthuong