Sáng 26/8, Văn phòng đại diện Cục Xúc tiến thương mại tại Đà Nẵng phối hợp với Trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công Thương trung ương – Bộ Công Thương tổ chức tập huấn “Quản trị năng suất & chất lượng sản phẩm hàng hóa công nghiệp cho cán bộ quản lý và doanh nghiệp”.
Tham gia buổi tập huấn có đại diện các sở ngành và doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng và một số địa phương lân cận.
Phát biểu khai mạc buổi tập huấn, ông Bùi Xuân Lịch – Trưởng đại diện VPĐD Cục Xúc tiến thương mại tại Đà Nẵng cho biết, chưa bao giờ vấn đề quản trị năng suất và chất lượng hàng hóa lại được quan tâm như hiện nay. Nhất là khi những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang tham gia sẽ đem lại nhiều cơ hội cũng như những thách thức và tiêu chuẩn mới cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phải đáp ứng được những tiêu chuẩn chung, thực hiện những cam kết chất lượng sản phẩm của mình, như đảm bảo các chỉ số cứng, đảm bảo an toàn VSTP, bảo vệ môi trường, sở hữu trí tuệ…. Tiêu chuẩn chất lượng là chìa khóa cho hội nhập, vì vậy, nâng cao quản lý năng suất và chất lượng giúp doanh nghiệp thuận lợi và chủ động hơn trong quá trình hội nhập.
Tại buổi tập huấn, tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Viện Chiến lược chính sách tài nguyên môi trường – Bộ Tài nguyên & Môi trường đã giới thiệu đến các doanh nghiệp những thông tin tổng quan về năng suất và chất lượng; các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn; các công cụ cải tiến năng suất chất lượng và áp dụng tích hợp các hệ thống quản lý vào nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cũng giới thiệu những công cụ quản lý chất lượng ISO phù hợp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện tại đối với từng ngành hàng, lĩnh vực và lợi ích cụ thể của từng tiêu chuẩn ISO như: Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9000; Hệ thống quản lý môi trường theo ISO 14001 (EM.14000); Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000; Hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 5001.
Ông Nguyễn Tùng Lâm cũng nhấn mạnh, hiện tại việc thực hiện theo các tiêu chuẩn ISO của các doanh nghiệp Việt Nam còn mang sắc thái “làm cho có” chứ chưa thực sự đánh giá đúng và ý thức được mức độ quan trọng của các tiêu chuẩn ISO. Trong khi các tiêu chuẩn này là thước đo chuẩn mực của chất lượng sản phẩm và là yếu tố đầu tiên xét đến khi doanh nghiệp muốn tham gia sân chơi thương mại lớn của chuỗi sản xuất – cung ứng toàn cầu.
Các doanh nghiệp và đại diện các sở ngành tham dự buổi tập huấn cũng cùng trao đổi về công cụ cải tiến năng suất chất lượng 5S của Nhật Bản đó là sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc và sẵn sàng (Seiri, seiton, seiso, seiketsu, shitsule); kiểm soát quá trình bằng kỹ thuật thống kê (SPC); nhóm kiểm soát chất lượng (QCC); chỉ số đánh giá hoạt động chính (KPI); duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể (TPM); quản lý tinh gọn hơn (LEAN); thước đo bằng công cụ 6 SIGMA…