Nâng cao năng suất nên được xem là mục tiêu căn bản của chính sách kinh tế

Mới đây, Tổ chức Công nghệ Thông tin và Đổi mới (ITIF) đã phát hành một báo cáo dài 124 trang mang tên “Hãy suy nghĩ như một doanh nghiệp: Tại sao các quốc gia cần phải có những chiến lược năng suất toàn diện”, được viết bởi tác giả Robert D. Atkinson, chủ tịch của ITIF. Sau đây là một số nội dung chủ yếu của báo cáo này. Để có thể nâng cao mức sống thì trước hết phải nâng cao năng suất. Nhưng sự tăng trưởng năng suất sẽ có khả năng bị trì trệ trừ khi chính phủ thực hiện những chính sách sáng suốt. Bước đi quan trọng nhất của điều này là phải thiết lập việc nâng cao năng suất thành mục tiêu căn bản của chính sách kinh tế. Năng suất không phải là thước đo của việc nền kinh tế sản xuất được bao nhiêu, hoặc thời gian làm việc của con người được bao nhiêu… mà là sản lượng đầu ra trên mỗi đơn vị đầu vào xét về khía cạnh kinh tế. Đơn vị đầu vào có thể là thời gian lao động (năng suất lao động), hoặc tất cả các yếu tố sản xuất, bao gồm nhân công, thiết bị và năng lượng (năng suất các yếu tố tổng hợp). Năng suất có thể được tăng cường bằng cách làm việc chăm chỉ, nhanh chóng, hiệu quả hơn nhờ tái cơ cấu quy trình làm việc và sử dụng các phương tiện, công nghệ, mô hình tốt hơn. Tuy nhiên, có hai thước đo năng suất liên quan, đó là Năng suất lao động và Năng suất các yếu tố tổng hợp. Năng suất lao động được tính bằng tổng sản lượng đầu ra của công nhân chia cho tổng số giờ làm việc. Khái niệm năng suất các yếu tố tổng hợp thì rộng hơn, nó bao gồm năng suất của toàn bộ các yếu tố trong sản xuất (nhân công, năng lượng và thiết bị). Năng suất lao động có thể được nâng cao bằng cách bổ sung thêm nhiều thiết bị, nhưng năng suất các yếu tố tổng hợp tăng hay giảm là tùy thuộc vào việc sản lượng do các thiết bị tạo ra có tương xứng với chi phí của chúng hay không. Có một lý do quan trọng nữa khiến các quốc gia nên tập trung vào việc cải thiện năng suất, đó là năng suất đóng một vai trò chủ chốt trong việc củng cố tình hình tài chính của chính phủ. Năng suất cao hơn sẽ giúp tăng thu nhập và giảm chi phí một cách đáng kể. Theo những số liệu trong báo cáo, thật đáng ngạc nhiên là nếu chúng ta nâng tốc độ tăng trưởng GDP thực sự của Hoa Kỳ trong 10 năm tới từ 2,8% mỗi năm lên 4%, chúng ta có thể giảm thâm hụt ngân sách đến 6,8 nghìn tỷ đô la. Theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, việc cải tiến năng suất thông qua cải tiến công nghệ chính là tác nhân góp phần gây nên thất nghiệp. Atkinson đã phản bác lại rằng, nếu quả thật điều đó là đúng thì đáng lẽ tốc độ tăng trưởng năng suất của Hoa Kỳ phải cao hơn mức bình thường. Thực tế thì, kể từ sau thời kỳ Đại suy thoái, tốc độ này đã ở mức thấp kỷ lục – chỉ bằng một nửa so với trước đó. Đáp lại những ý kiến cho rằng tự động hóa có thể cũng có thể gây thất nghiệp, Atkinson đã trích dẫn kết luận của Viện McKinsey Global rằng “Trong tương lai gần hoặc không quá xa, sẽ có rất ít ngành nghề được tự động hóa toàn bộ. Thay vào đó, việc tự động hóa sẽ chỉ áp dụng cho một số hoạt động nhất định, đòi hỏi tất cả các quy trình vận hành trong doanh nghiệp cần được chuyển hóa, và các công việc cần được xác định lại”.

Văn phòng NSCL biên dịch

Nguồn: www.industryweek.com

Tin mới