Nâng cao năng suất lao động (NSLĐ) là hướng đi quan trọng, có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng bền vững, hội nhập và cạnh tranh. Nhưng đây đang là điểm yếu của Việt Nam khi NSLĐ được xếp ở nhóm thấp nhất của chu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cần phải làm những gì để cải thiện tình trạng này?
Năng suất lao động thấp do đâu?
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), NSLĐ của Việt Nam năm 2013 được xếp vào nhóm thấp nhất của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần, Malaysia 5 lần, Thái Lan 2,5 lần. Việt Nam là 1 trong 3 nước có NSLĐ thấp nhất ASEAN, chỉ cao hơn Myanmar và Campuchia.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh cho biết, tổ chức quốc tế đánh giá 80% nhân viên văn phòng ở Việt Nam thiếu kỹ năng; tỷ lệ này ở lao động kỹ thuật, lao động phổ thông là 83% và 40%. Chúng tôi đang yêu cầu các cơ quan xem xét đánh giá trên có đúng không. Nhưng rõ ràng đây là 1 trong 3 yếu tố liên quan đến NSLĐ rất đáng báo động.
Trong phần chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 19/11/2014, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã nêu ra một số thông tin đáng chú ý, theo đó, NSLĐ của người Việt Nam rất thấp so với thế giới và ngay cả khu vực. Số liệu thống kê của Tổ chức năng suất châu Á cho thấy, NSLĐ của Việt Nam thấp hơn 2 lần so với năng suất bình quân của khu vực ASEAN.
Trong 3 năm 2011 – 2013, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam chỉ hơn 3%/năm, trong khi GDP vẫn tăng trưởng ở mức trên dưới 5%. Tức là NSLĐ còn tăng chậm hơn cả tăng GDP quốc gia. Đây cũng là một cảnh báo, nếu Việt Nam vẫn không có những điều chỉnh kịp thời thì tốc độ tăng chậm của NSLĐ sẽ kéo tăng trưởng GDP quốc gia xuống và Việt Nam sẽ rất khó đạt được mục tiêu của một nước công nghiệp hóa.
Một thực tế đáng chú ý, hiện có một khoảng cách rất khác biệt giữa thi cử và tác nghiệp thực tế của lao động Việt Nam. Lịch sử các kỳ thi tay nghề ASEAN cho thấy, Việt Nam đã ba lần xếp thứ nhất và luôn nằm trong top 3. Gần đây nhất, Việt Nam xếp thứ nhất Hội thi tay nghề ASEAN lần thứ 10 diễn ra tại Hà Nội tháng 10/2014 với 15 huy chương vàng, cách biệt đoàn Malaysia về nhì tới 6 huy chương vàng. Rõ ràng, tay nghề của người lao động Việt Nam thuộc loại nhất, nhì trong khu vực. Thi cử xếp thứ hạng cao, vậy tại sao NSLĐ thực tế Việt Nam luôn thấp nhất khu vực?
Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Phó trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), các doanh nghiệp đánh giá kỹ năng, kỹ thuật của người lao động không phải là thấp, mà cái yếu là kỹ năng nhận thức và hành vi. Cái mà người lao động đang “thiếu” so với nhu cầu của doanh nghiệp đó là khả năng thích nghi với môi trường làm việc; khả năng giao tiếp, tuân thủ các quy tắc nghề nghiệp; khả năng tương tác làm việc nhóm; khả năng tư duy logic và các kỹ năng mềm khác trong xử lý công việc.
Có chung quan điểm này, ông Dương Đức Lân – Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhìn nhận, bên cạnh đức tính cần cù, chịu khó… lao động Việt Nam còn nhiều điểm yếu như thiếu kiến thức để hội nhập, tính hợp tác rất kém, khả năng tích lũy kinh nghiệm cũng thấp.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nêu ra 5 nguyên nhân cơ bản khiến NSLĐ của Việt Nam thấp hơn các nước khác, đó là: (i) Xuất phát điểm của Việt Nam và các nước là khác nhau (bao gồm cả hạ tầng, trình độ khoa học kỹ thuật công nghệ….); (ii) Khả năng tự tích lũy của nền kinh tế còn thấp. Khả năng tích lũy để tái đầu tư thấp dẫn đến các doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia đầy đủ các khâu của chuỗi sản xuất/giá trị hàng hóa, do đó giá trị gia tăng chưa cao; (iii) Trình độ công nghệ thấp, lạc hậu. Theo báo cáo điều tra giai đoạn 2000 – 2011, các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao chỉ chiếm 2%, sử dụng công nghệ trung bình thấp chiếm 29%, sử dụng công nghệ trung bình cao chiếm 10%, công nghệ thấp chiếm gần 60%; (iv) Vẫn sử dụng nhiều lao động trong nông nghiệp có trình độ thấp. Năm 2014, lao động trong nông nghiệp chiếm 47% lao động cả nước, góp 18% tổng sản phẩm nội địa. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2014 mới đạt 40%, trong khi Singapore đạt 62%, Hàn Quốc là 62%; (v) Đầu tư cho khoa học công nghệ thấp. Từ năm 2001 – 2011, tỷ lệ đầu tư cho khoa học công nghệ chỉ đạt 0,5% tổng sản phẩm nội địa. Trong vòng 10 năm tỷ lệ này chỉ tăng từ 0,48% lên 0,51%. Ngoài 5 yếu tố trên, còn nhiều yếu tố khác như sản xuất gia công, xuất khẩu sản phẩm thô, cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm…
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường (Hà Nội), tỷ trọng lao động làm việc trong nông nghiệp – lâm nghiệp – thủy sản lớn, trong khi NSLĐ của nhóm ngành này chỉ bằng 45% NSLĐ chung, bằng 25% công nghiệp – xây dựng, bằng 36% dịch vụ. Lao động Việt Nam còn khá nhiều điểm hạn chế như lực lượng lao động tuy đông về số lượng nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, ít qua đào tạo. Hệ thống giáo dục đào tạo thiên về dạy lý thuyết hơn là kỹ năng. Thiếu vắng từ đội ngũ quản lý doanh nghiệp trình độ cấp cao đến đội ngũ kỹ thuật viên, thợ cả có tay nghề…
Bên cạnh đó, sự không ăn khớp giữa đào tạo nghề của nhà trường với nhu cầu của doanh nghiệp vẫn chậm được khắc phục. Doanh nghiệp thì chưa chủ động trong hợp tác gắn kết với các trường để đào tạo ra các lao động đáp ứng nhu cầu của mình. Ngược lại, nhà trường chưa thực sự tìm hiểu nhu cầu nhân lực của các lĩnh vực, ngành nghề và các doanh nghiệp cụ thể.
Bắt đầu từ đâu?
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, muốn tăng NSLĐ trước hết cần tái cơ cấu, tập trung vào những ngành có giá trị gia tăng cao. Tiếp đó, khuyến khích, tạo động lực để doanh nghiệp đầu tư cho khoa học – công nghệ thông qua chính sách ưu đãi cụ thể về thuế và tín dụng. Cuối cùng, phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ nhân viên văn phòng đến lao động kỹ thuật, lao động phổ thông. Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ đề xuất với Chính phủ một nghị quyết nhằm cải thiện, nâng cao NSLĐ tương tự Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Nhanh chóng đổi mới hơn nữa hệ thống giáo dục, đào tạo để sản phẩm đầu ra là đội ngũ lao động có trình độ, kỹ năng, đạo đức, văn hóa, văn minh và bản lĩnh vượt khó. Bên cạnh đó, phải tăng cường đầu tư thực chất và hiệu quả cho phát triển khoa học công nghệ. Hiện tại, công nghệ, máy móc thiết bị nhập khẩu vào Việt Nam phần lớn là ở mức trung bình và lạc hậu, bởi vậy, việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị cần theo định hướng là công nghệ nguồn từ các nền kinh tế phát triển.
Báo cáo phát triển Việt Nam 2014 của Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị, việc xây dựng một lực lượng lao động có kỹ năng cao là trách nhiệm chung của Chính phủ, các cơ sở giáo dục đào tạo, người sử dụng lao động, học sinh và phụ huynh. Để tăng cường kết nối trong phát triển kỹ năng cho người lao động, bên cạnh sự chủ động của các đối tượng (gồm người sử dụng lao động, các cơ sở giáo dục đào tạo, học sinh và phụ huynh) còn cần sự cải thiện về thông tin, các động lực khuyến khích của Nhà nước (chẳng hạn trao quyền tự chủ lớn hơn trong việc ra quyết định của các cơ sở đào tạo) và nâng cao năng lực, đặc biệt là năng lực quản lý và giảng dạy tại các trường. Theo ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, để nâng cao NSLĐ, sự đổi mới thể chế ở tầm vĩ mô rất quan trọng, nhưng chưa đủ, mà phải đổi mới quản trị doanh nghiệp. Nếu không triệt để tuân thủ quy luật “làm theo năng lực, hưởng theo đóng góp”, đưa câu “hiền tài là nguyên khí quốc gia” vào cuộc sống, thì không thể khuyến khích mọi người làm việc có năng suất cao hơn… Năng suất, hiệu quả lao động phải được lấy làm thước đo chủ yếu.
Anh Thi (Trích Thông tin Tài chính số 24 kỳ 2 tháng 12/2014)