Nhận thức rõ những tác động của đại dịch Covid-19 và Cách mạng công nghiệp 4.0, rất nhiều công nhân, người lao động đã không ngừng chủ động học hỏi rèn luyện nâng cao tay nghề, nâng cao năng suất lao động, tiếp thu và ứng dụng khoa học – kỹ thuật tiên tiến vào lao động – sản xuất để có thể gắn bó lâu dài với công việc.
Ý thức vươn lên
14 năm làm việc tại Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam là từng đó thời gian anh Lê Văn Giáp luôn nỗ lực tìm ra sự khác biệt, hiệu quả trong công việc. Ban đầu đảm nhiệm vai trò là công nhân sản xuất, sau được Ban Giám đốc Công ty tin tưởng giao nhiệm vụ làm Quản lý xưởng sản xuất, ở vị trí nào anh cũng luôn làm tốt công việc.
Anh Giáp cho biết, để có thể đáp ứng được yêu cầu công việc chuyên môn, anh luôn tự giác trong công việc và nỗ lực, cố gắng hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, anh chủ động, tích cực tìm tòi, học hỏi, phát huy sáng kiến sáng tạo, cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Qua thời gian nghiên cứu, anh đưa ra sáng kiến “Cải tiến phương pháp phun cao-su” đã làm lợi cho công ty gần ba tỷ đồng/năm. Đến nay, sáng kiến của anh vẫn đang được áp dụng tại xưởng sản xuất của công ty.
Chia sẻ về sự nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân, anh Giáp cho biết, từ thực tiễn công việc, nhận thấy nguyên vật liệu đang bị lãng phí, hiệu quả sản xuất không đạt theo yêu cầu đã thôi thúc anh cần tìm ra sự thay đổi. Tìm tòi, nghiên cứu, anh nhận thấy việc cải tiến phương pháp phun cao-su trong quá trình sản xuất là rất cần thiết, góp phần tránh lãng phí cho công ty. Từ đó, anh đề xuất ý tưởng với ban lãnh đạo công ty. Sau khi được sự đồng ý, anh bắt tay vào triển khai việc thay đổi kết cấu đường ống nạp cao-su để lượng cao-su vào sản phẩm ổn định nhất. Nhờ vậy, đã giảm được thấp nhất nguồn nguyên vật liệu đầu vào và tăng sản lượng sản xuất.
Song song với việc nâng cao năng suất lao động, tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt nhất, công ty anh luôn chú trọng các chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực…
Theo báo cáo mới đây từ Tổng cục Thống kê, tính chung giai đoạn 2011-2018, năng suất lao động tăng bình quân 4,88%/năm. Mặc dù, năng suất lao động của Việt Nam đã được cải thiện nhiều trong thời gian qua, nhưng vẫn thấp và còn khoảng cách khá xa so các nước trong khu vực. Đơn cử, Singapore có năng suất lao động cao gấp 13,7 lần so Việt Nam; Malaysia cao gấp 5,3 lần; Thái-lan cao gấp 2,7 lần… Việt Nam chỉ đứng trên Campuchia trong ASEAN về năng suất lao động.
Có thể kể đến một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do quy mô nền kinh tế Việt Nam nhỏ, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Ngoài ra, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động tuy theo hướng tích cực, nhưng còn chậm; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ lạc hậu; chất lượng nguồn nhân lực hạn chế…
Nâng cao năng suất lao động
Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, điều đáng mừng hiện nay, nhận thức rõ ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thêm tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều công nhân, lao động đã chủ động học hỏi, tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, tăng năng suất lao động sẽ ngày càng phụ thuộc vào tăng năng suất lao động nội ngành. Nhưng đến nay chưa có thay đổi đáng kể trong bản chất tăng trưởng của ngành, chủ yếu vẫn nhờ vào mở rộng quy mô những ngành sử dụng nhiều lao động, hàm lượng công nghệ thấp khiến mục tiêu tăng nhanh giá trị gia tăng của sản phẩm chưa đạt…
Mới đây, một trong những giải pháp cũng được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu là cần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia để tăng năng suất lao động. Theo đó, tại Chỉ thị số 07/CT-TTg về giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy nhanh hoàn thiện thể chế xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử; đôn đốc khẩn trương hoàn thành các cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai; thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia để tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế – xã hội.
Trong đó, đáng chú ý là yêu cầu thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện các hoạt động của doanh nghiệp, các ngành trọng điểm, cơ quan nhà nước và người dân, đồng thời phát triển các yếu tố nền tảng tạo điều kiện cho chuyển đổi số quốc gia. Đặc biệt là kết nối các doanh nghiệp công nghệ thông tin và công nghệ truyền thông (ICT) với doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp để xây dựng, áp dụng các công nghệ mới vào quá trình sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng năng suất lao động.
Bộ Tài chính đẩy mạnh việc hoàn thiện khuôn khổ về thể chế tài chính – ngân sách nhà nước để tận dụng vị thế của Việt Nam trong thị trường ASEAN và cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mang lại nhằm thu hút hiệu quả nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thúc đẩy nâng cao năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế; tích cực thực hiện cơ cấu lại thị trường tài chính.
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục rà soát, đánh giá triển khai các giải pháp tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, hướng dòng vốn chảy vào lĩnh vực có năng suất cao, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân.
Nguồn: nhandan.com.vn