Với việc áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước, đảm bảo yêu cầu của đối tác xuất khẩu, nâng cao vị thế trên thị trường.
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam cho biết: Từ năm 2011-2014, cả nước có khoảng 400 doanh nghiệp vừa và nhỏ được hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng; 100 doanh nghiệp được tư vấn hỗ trợ tham gia các hoạt động giải thưởng chất lượng quốc gia; 220 doanh nghiệp được tư vấn về sở hữu trí tuệ, 63 doanh nghiệp được hướng dẫn, tư vấn về đổi mới công nghệ và hàng trăm doanh nghiệp được hướng dẫn xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn cơ sở (TCCS).
Theo đó, nhiều địa phương đã cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về năng suất chất lượng của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng – Bộ Khoa học và Công nghệ; tổ chức các lớp đào tạo cán bộ chuyên gia về năng suất chất lượng cho cán bộ các sở, ban, ngành, doanh nghiệp tại địa phương với trên 2.000 lượt người tham gia.
Qua báo cáo của các địa phương cho thấy, nhiều địa phương có dự án triển khai đạt hiệu quả tốt như Cà Mau, Quảng Trị, Trà Vinh, An Giang, Thừa Thiên Huế, Nam Định…. Một số dự án đã mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp như: Hỗ trợ nuôi tôm ở tỉnh Cà Mau, hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho rau an toàn ở tỉnh An Giang, Sơn La, Thừa Thiên – Huế; các mô hình điểm về năng suất chất lượng ở An Giang, mô hình tiết kiệm năng lượng trong chế biến thủy sản ở Cà Mau.
Điển hình tại Nam Định, ngay từ khi triển khai Đề án 712 về nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ cho 5 lĩnh vực công nghiệp chủ lực của địa phương nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa. Kết quả, 250 doanh nghiệp đã được đánh giá về hiện trạng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, quản lý chất lượng. Đồng thời, tỉnh đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý tiên tiến, áp dụng các công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng, áp dụng TCVN, QCVN, xây dựng TCCS; tham gia các giải thưởng chất lượng quốc gia, thực hiện kiểm toán năng lượng và ứng dụng các giải pháp công nghệ về tiết kiệm năng lượng.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kim Dung – Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường tỉnh Nam Định: Mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động quản lý tiêu chuẩn, đo lường chất lượng (bao gồm hơn 6.000 tiêu chuẩn quốc gia, 340 quy chuẩn kỹ thuật) góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp chủ động đổi mới công nghệ sản xuất, phương thức quản lý, quản trị doanh nghiệp nhưng tình trạng yếu kém về năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa vẫn đang là trở ngại lớn đối với sự phát triển của doanh nghiệp cũng như năng suất lao động thấp, hao tổn nhiều nguyên liệu, năng lượng, chất lượng sản phẩm không ổn định.
Hiện toàn tỉnh Nam Định chỉ có hơn 450 doanh nghiệp áp dụng và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm trên tổng số 2.738 doanh nghiệp trong toàn tỉnh, chiếm 16,4%. Và trong 731 doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực công nghiệp chủ lực của địa phương thì chỉ có 60 doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, chiếm 8,2%; 10 doanh nghiệp áp dụng các công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng; 03 loại sản phẩm hàng hóa được đánh giá chứng nhận phù hợp quy chuẩn quốc gia. “Như vậy, việc mà các doanh nghiệp cần làm hiện nay là phải xây dựng lại cho mình các quy chuẩn kỹ thuật cũng như quy trình sản xuất, công cụ quản lý nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa trong thời gian tới” – bà Dung nhấn mạnh./.
Thu Hường VEN