Ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP có hiệu lực vào năm 2018. Tuy nhiên, cơ hội nhiều thì thách thức lớn.
Bên cạnh thách thức về xuất xứ nguyên phụ liệu, năng suất chất lượng hàng dệt may Việt Nam cũng là một vấn đề lớn bởi so với nhiều quốc gia dệt may hàng đầu trên thế giới, năng suất chất lượng mặt hàng này của nước ta còn thua kém ở khoảng cách xa.
Để nâng cao năng suất chất lượng, nhiều doanh nghiệp (DN) ngành dệt may Việt Nam đã áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn quản lý như: hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001- 2000, hệ thống quản lý môi trường ISO 14000, hệ thống trách nhiệm xã hội SA8000, hệ thống quản lý phòng thí nghiệm ISO/IEC 17025… Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã tích hợp thành công cả 3 hệ thống: ISO 9001-2000, ISO 14000, SA 8000 như: Công ty May Đức Giang, May Hưng Yên, Dệt may Thắng Lợi, Dệt Việt Thắng.
Theo bản tin kinh tế ngành dệt may số tháng 6/2016, nhiều DN dệt may đã áp dụng thành công công cụ Lean vào sản xuất như: Công ty CP May Việt Tiến, Tổng công ty May 10, Tổng công ty Đức Giang, Công ty CP May Nam Định… Đây là một công cụ năng suất chất lượng nhằm loại bỏ lãng phí và những bất hợp lý trong quy trình sản xuất, giúp DN tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, giảm giờ làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhờ đó nâng cao sức cạnh tranh của DN trên thị trường. Nhờ áp dụng Lean, Tổng công ty May 10 đã tăng năng suất lao động lên 52%, tỷ lệ hàng lỗi giảm 8%, giảm giờ làm 1 giờ/ngày, tăng thu nhập trên 10%, giảm chi phí sản xuất từ 5-10%/năm; năng suất toàn hệ thống của Tổng công ty May Nhà Bè – CTCP đã tăng hơn 20%; Tổng công ty CP Dệt may Hòa Thọ giảm hàng tồn trên chuyền từ 30 sản phẩm xuống còn 3 sản phẩm, hàng lỗi giảm từ 20% xuống còn 8%.
Bên cạnh áp dụng các công cụ năng suất chất lượng, một số giải pháp được đánh giá là quan trọng không kém để nâng cao năng suất chất lượng ngành dệt may đó là đầu tư đổi mới, cải tiến hệ thống máy móc thiết bị; Cải tiến các quy trình công nghệ; Đầu tư mới hoặc hoàn thiện các phần mềm quản lý sẵn có và các phần mềm thiết kế sản phẩm như: Lectra, Gerber, Optitex…Ngoài ra, ngành dệt may cần chú trọng công tác đào tạo nâng cao năng lực nguồn nhân lực, quy hoạch cán bộ; đào tạo, tuyển dụng, có cơ chế thu hút người lao động có trình độ quản lý, kỹ thuật và công nhân lành nghề.
Trong tương lai, để tiếp tục nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm toàn ngành và mở rộng phạm vi doanh nghiệp áp dụng các công cụ, hệ thống nâng cao năng suất chất lượng, các cơ quan quản lý ngành dệt may cần có những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp không chỉ về mặt chính sách mà còn cả về tài chính và kỹ thuật.
Văn phòng NSCL