Nâng cao năng suất chất lượng: Kinh nghiệm thực tiễn từ các mô hình điểm

Yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của việc nâng cao năng suất chất lượng.

Những yếu tố tác động trực tiếp tới hoạt động năng suất tại doanh nghiệp

Với xu thế kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng như hiện nay, nâng cao năng suất là yếu tố nền tảng cho phát triển kinh tế và tăng trưởng. Yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, cạnh tranh về giá và việc tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cải tiến năng suất.

Điều này thể hiện qua việc ngày càng có nhiều DN chủ động tìm kiếm và thực hiện các giải pháp cải tiến năng suất, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất nhằm thúc đẩy hoạt động năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thực tế cho thấy, các DN khi triển khai các dự án cải tiến, tối ưu hóa quá trình sản xuất theo các công cụ “truyền thống” như: Lean/Kaizen; 5S, ISO… đã có thể cải thiện năng suất tăng từ 15-20%. Điều quan trọng hơn cả là nhận thức về sự cần thiết cải tiến năng suất cho chính DN của người lãnh đạo, từ đó thúc đẩy sự tham gia của từng cá nhân, tập thể cán bộ công nhân viên của chính DN đó.

Tuy nhiên, theo nhận định của Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn, yếu tố tác động trực tiếp tới hoạt động năng suất tại các DN hiện nay tùy thuộc vào tính chất từng ngành.

“Ví dụ trong điều kiện ngành may, các chương trình hỗ trợ tăng năng suất lao động tập trung vào cải thiện quá trình sản xuất, sắp xếp và bố trí các dây chuyển hợp lý hơn, giảm các lãng phí trong sản xuất; đồng thời cải thiện trình độ quản lý cũng như ý thức từ bản thân người lao động. Các yếu tố đang cản trở hoạt động tăng năng suất lao động là quản lý yếu, thiếu chuyên nghiệp, người lao động thiếu tính kỷ luật cũng như tác phong công nghiệp.

Đối với các ngành công nghệ vừa và cao như: Nhựa, hóa chất, cơ khí… đòi hỏi lao động kỹ thuật cao, cần có định hướng cụ thể về đổi mới công nghệ; có giải pháp phù hợp nhân sự dôi dư khi DN đưa công nghệ tự động hóa trong sản xuất. Lĩnh vực liên quan đến khai thác hoặc xuất khẩu thì phụ thuộc nhiều vào biến động của giá cả trên thị trường thế giới…”, ông Tuấn chia sẻ.

Kinh nghiệm thực tiễn từ các mô hình điểm

Là một trong những DN điển hình của tỉnh Hưng Yên, đi đầu trong phong trào nâng cao năng suất chất lượng, ông Nguyễn Mạnh Đức – Giám đốc điều hành sản xuất Công ty cổ phần nhựa Thái Bình Dương cho biết, công ty đã lựa chọn áp dụng ISO 9001 và mô hình 5S để nâng cao năng suất chất lượng.

Chia sẻ về kinh nghiệm áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến này ông Nguyễn Mạnh Đức cho hay: “Khi mới tiếp cận với phương pháp 5S thông qua báo chí, truyền thông, chúng tôi cũng mới chỉ nghĩ đơn giản về phương pháp này là cách để giữ gìn vệ sinh sạch sẽ nhà xưởng giống như việc làm bình thường hằng ngày. Tuy nhiên, sau khi có sự hỗ trợ tư vấn của chuyên gia, sự giúp đỡ chia sẻ nhiệt tình từ phía Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, chúng tôi đã nhận thức sâu sắc hơn về việc áp dụng 5S một cách bài bản, hệ thống, triển khai cho tất cả các anh em trong công ty cùng thực hiện.

Nhìn lại hơn một năm áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến, chúng tôi thấy doanh nghiệp mình đã thay đổi rất nhiều. Từ chỗ nhà xưởng, nơi sản xuất còn chưa được gọn gàng, đẹp mắt thì đến nay, việc sắp xếp các khu làm việc đã được sạch, đẹp hơn. Khách hàng của chúng tôi lên thăm nhà máy cũng đánh giá cao doanh nghiệp chúng tôi dù non trẻ nhưng rất chuyên nghiệp”.

Cũng theo ông Đức, khi bắt tay vào thực hiện 5S nếu lãnh đạo doanh nghiệp không có nhận thức rõ ràng, không thực sự hiểu về lợi ích của việc áp dụng 5S thì rất khó để mô hình này thành công. Bởi vì khi đó, các anh em công nhân, nhân viên sẽ thiếu định hướng, không biết phải làm những gì và làm như thế nào để có hiệu quả.

Còn theo ông Trịnh Ngọc Thảo – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khí chính xác Smart Việt Nam, để cải tiến và nâng cao năng suất chất lượng thì công ty của ông đồng thời triển khai cả 5S, cả ISO 9000 và ISO 14000…

Tuy nhiên, theo ông Thảo, trong quá trình triển khai Smart Việt Nam cũng phải trải qua không ít khó khăn và thử thách. Một trong những khó khăn ở đây là vấn đề về con người, vấn đề nhân sự, làm thế nào để tạo động lực cho nhân viên ham mê công việc. Vấn đề này không phải cứ dùng tiền là có thể giải quyết được, nếu dùng tiền sẽ tạo thành một thói quen rất xấu: Cứ có tiền người ta mới làm. Điều cốt lõi, phải cho người ta thấy giá trị mà người ta nhận được là gì?

Song cũng theo ông Thảo thì không có khó khăn nào bằng khó khăn vượt qua chính mình và thay đổi nhận thức của bản thân. Đối với một công ty, muốn thành công được phải thay đổi nhận thức của tất cả mọi người trong hệ thống, tất nhiên phải có thời gian.

Còn tại Công ty Ô tô Trường Hải – Thaco, để phát triển và trở thành một trong các đơn vị hàng đầu trong ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam, các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng như IATF 16949, TPM, Quản lý trực quan, 5S… đã được đưa vào áp dụng.

Và theo đại diện phía công ty, trong quá trình đưa các hệ thống quản lý, công cụ vào áp dụng, công ty đã gặp không ít khó khăn, thậm chí là những bài học về thất bại do việc thực hiện chỉ mới tạo được phong trào, chưa trở thành động lực của các CBNV trong công ty. Song nhờ sự kiên trì và triển khai đúng hướng cuối cùng cũng đã giúp Công ty đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Nguồn: Báo Chất lượng Việt Nam

Tin mới