Sau 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình Quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” đã mang lại những thành công bước đầu, điều này cho thấy, hoạt động năng suất chất lượng đã có xu hướng lan tỏa và ảnh hưởng tới nhiều hoạt động cũng như đời sống kinh tế – xã hội trong cả nước. Để tổng kết chương trình giai đoạn I sau 5 năm thực hiện, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Quý Việt – Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ).
Xin ông cho biết rõ hơn về Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”?
Ông Ngô Quý Việt: Với mục tiêu nâng cao nhận thức về năng suất và chất lượng, tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất và chất lượng của các sản phẩm, hàng hóa chủ lực, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, và ngày 21 tháng 5 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 712/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.
Chương trình là tập hợp các nội dung, nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ về cơ chế chính sách, tổ chức, nhân lực, đặc biệt là các yếu tố khoa học và công nghệ tác động trực tiếp vào doanh nghiệp nhằm hỗ trợ và tạo lập môi trường pháp lý, điều kiện thuận lợi cho hoạt động nâng cao năng suất và chất lượng của doanh nghiệp.
Chương trình gồm 09 dự án, trong đó Bộ Khoa học và Công nghệ và 06 Bộ quản lý ngành chủ trì 08 dự án; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì dự án 9 “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương”.
Xin ông Tổng cục trưởng cho biết kết quả nổi bật nhất của Chương trình 712 giai đoạn I là gì?
Ông Ngô Quý Việt: Với 5 dự án được triển khai, sau 5 năm đã thu được nhiều kết quả nổi bật, tiêu biểu như: 65% TCVN được công bố trong giai đoạn này hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế; Hàng nghìn doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng; áp dụng các hệ thống quản lý ISO; áp dụng các cải tiến năng suất; 53 địa phương xây dựng, triển khai dự án năng suất chất lượng (NSCL); Chất lượng sản phẩm hàng hóa, thương hiệu và tính cạnh tranh của DN được nâng cao; Đào tạo được đội ngũ hoạt động chuyên nghiệp về năng suất và chất lượng
Xin ông cho biết qua 5 năm triển khai chương trình 712, cho đến nay, theo đánh giá của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, thì các doanh nghiệp đã có sự thay đổi như thế nào về mặt nhận thức và các hoạt động cải tiến năng suất chất lượng ở doanh nghiệp đang được diễn ra như thế nào?
Ông Ngô Quý Việt: Thông qua các hoạt động của Chương trình, nhận thức của các cấp các ngành, các địa phương và đặc biệt là doanh nghiệp về năng suất, chất lượng, hiệu quả đã được nâng lên rõ rệt. Năng suất, cải tiến năng suất được xuất hiện nhiều hơn trong tư duy và hành động của các nhà lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là lãnh đạo doanh nghiệp;
Bên cạnh đó, Chương trình đã hình thành, thúc đẩy được phong trào năng suất chất lượng trong phạm vi cả nước, thông qua đó huy động được nguồn lực của xã hội tập trung cho mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng của sản phẩm hàng hoá chủ lực của nền kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh, thương hiệu của doanh nghiệp, sản phẩm, hàng hoá Việt Nam trên thị trường trong, ngoài nước;
Ngoài ra, Chương trình đã có những tác động ban đầu, tích cực đối với cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã nhận thức được đầy đủ hơn tầm quan trọng của năng suất chất lượng đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp; doanh nghiệp đã được hưởng lợi trực tiếp từ Chương trình. Chương trình đã tạo được sự gắn kết hơn giữa khoa học và sản xuất, đời sống;
Căn cứ thực tiễn triển khai và những khó khăn từ doanh nghiệp, các bộ ngành, xin ông có thể đưa ra định hướng triển khai chương trình 712 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trong thời gian tới là gì?
Ông Ngô Quý Việt: Căn cứ mục tiêu của Chương trình, rút kinh nghiệm tổ chức triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn I, các nhiệm vụ trọng tâm cho giai đoạn 2016 -2020 của Chương trình được xác định gồm: Hoàn thành việc xây dựng và phê duyệt dự án NSCL ngành, địa phương; đảm bảo tất cả các ngành, địa phương có dự án NSCL được phê duyệt và triển khai; Tập trung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về năng suất, chất lượng cho đội ngũ chuyên gia tư vấn về NSCL thuộc các ngành, địa phương, doanh nghiệp. Đưa nội dung đào tạo năng suất và chất lượng vào chương trình đào tạo của các trường đại học, dạy nghề, quản lý, nghiệp vụ về khoa học và công nghệ. Hình thành mạng lưới chuyên gia chuyên nghiệp về NSCL trong cả nước; Xây dựng các mô hình điểm, điển hình về cải tiến năng suất chất lượng tại một số tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn thuộc các ngành kinh tế chủ lực; Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận và thực hiện các dự án cải tiến NSCL thích hợp;
Bên cạnh đó, chương trình cần tăng cường năng lực của các tổ chức đánh giá sự phù hợp đạt chuẩn mực quốc tế. Đầu tư xây dựng các phòng thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hoá đạt trình độ quốc tế, đáp ứng yêu cầu đánh giá phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các sản phẩm, hàng hoá chủ lực. Triển khai hoạt động thừa nhận lẫn nhau các kết quả đánh giá sự phù hợp; Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) cho các sản phẩm, hàng hoá chủ lực và các lĩnh vực liên quan, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu về số lượng TCVN được xây dựng và tỷ lệ TCVN hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực. Duy trì hoạt động phổ biến, hướng dẫn áp dụng TCVN, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn cơ sở; Các nhiệm vụ về tuyên truyền, phổ biến kiến thức về NSCL tiếp tục được thực hiện với nội dung chuyên sâu về NSCL; tập trung giới thiệu về các mô hình điểm, điển hình về thực hiện dự án cải tiến NSCL để nhân rộng; Định kỳ công bố các chỉ tiêu năng suất ở các cấp độ nền kinh tế, ngành kinh tế, địa phương.
Bài, ảnh: H.A truyenthongkhoahoc.vn