Nâng cao năng suất chất lượng: Cải tiến không thể ‘ngày 1, ngày 2’

Việc triển khai áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến để nâng cao năng suất không thể ngày 1 ngày 2 mà phải triển khai lâu dài, đồng thời phải cho thấy được sự cải tiến của sẽ đem lại lợi ích cho chính người lao động.

Bất cứ một doanh nghiệp nào cũng mong muốn tồn tại và phát triển lâu dài. Để đạt được mục tiêu ấy, doanh nghiệp phải làm ăn có hiệu quả, tạo ra được những sản phẩm đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, giá cả cạnh tranh, cung cách dịch vụ tốt. Khi áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến nâng cao năng suất giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu như nói trên.

5S, Kaizen, Lean, TPM, KPI, MFCA, BSC… Các công cụ cải tiến này là những giải pháp giúp doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, loại bỏ những khuyết điểm, giảm lãng phí không đáng có nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao vị thế và uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.

Đã có khá nhiều doanh nghiệp áp dụng thành công các công cụ cải tiến trên, giúp doanh nghiệp mình nâng cao năng suất. Tiêu biểu đó là Công ty Cổ phần May Nam Hà – Công ty tham gia chương trình 712 từ năm 2010 đến nay đã liên tục thực hiện các dự án về chất lượng, về năng suất.

Theo ông Đào Tiến Dũng – Giám đốc Công ty Cổ phần may Nam Hà cho biết, từ năm 2010, Công ty đã bắt đầu tổ chức đào tạo về Lean cho đội ngũ quản lý từ cấp cơ sở đến cấp cao. Những năm tiếp theo, với sự tư vấn của các chuyên gia năng suất của Viện Năng suất Việt Nam, Lean, 5s, TPM, Kaizen bắt đầu được triển khai ứng dụng trong sản xuất kinh doanh, cùng với đó tại may Nam Hà.

Kết quả, sau 6 tháng triển khai dự án cải tiến Kaizen, Công ty Cổ phần May Nam Hà đã giảm được tỷ lệ hàng sai lỗi từ 8,8% xuống còn 8,1%, giảm 25% hàng tồn trên chuyền, hàng tồn so với năng lực sản suất giảm từ trung bình 2,37 ngày xuống còn 1,34 ngày, sản lượng bình quân ngày tăng từ 415 sản phẩm lên 899 sản phẩm.

“Sau 8 năm tham gia chương, chúng tôi đã 6 năm liền đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, chất lượng may Nam Hà được nâng cao, năng suất lao động của công ty tăng trung bình tăng 15%/năm và cứ sau 5 năm thì tăng gấp đôi. Đi cùng với đó, thu nhập của người lao động năm 2017 tăng cao đạt hơn 8,2 triệu đồng/người/tháng, gấp gần 4 lần so với năm 2009”, Ông Dũng nhấn mạnh.

Ông Dũng nhấn mạnh việc áp dụng các tư duy tiên tiến và các công cụ 5S, Kaizen, Lean, TPM, KPI, MFCA, BSC… là cần thiết nhưng phải là quá trình lâu dài. Việc triển khai áp dụng cũng không thể ngày 1 ngày 2 mà phải triển khai lâu dài, đồng thời phải cho thấy được sự cải tiến của sẽ đem lại lợi ích cho chính người lao động.

“Tại công ty chúng tôi nếu thay đổi hàng ngày thì không thấy nhưng đặt trong phạm vi 3 -7 năm về trước thì chúng tôi có sự thay đổi khác biệt. Ví dụ làm may sàn nhà thường bẩn nhưng hiện nay sàn nhà chúng tôi rất sạch do áp dụng các công cụ cải tiến”, ông Dũng chia sẻ.

Theo ông Dũng, việc tham gia chương trình năng suất chất lượng thì quan trọng nhất là thay đổi tư duy, quan điểm, bởi vì theo thực tế tại nhiều doanh nghiệp may mặc phần đông công nhân đều xuất thân nông dân, chưa quen với tư duy đo lường định lượng một cách chính xác, tư duy tiên tiến của thế giới.

“Khó khăn lớn nhất trong việc áp dụng các công cụ cải tiến, nâng cao năng suất là kiên trì, bài bản, và thiết kế các cơ chế chính sách để chương trình được duy trì và tạo sự thay đổi bền vững. Nếu không kiên trì thì sau khi được được các chuyên gia tư vấn thì chỉ áp dụng được thời gian đầu, sau đó thì “chữ thầy giả thầy”, không còn được cải tiến”, ông Dũng nhấn mạnh.

Nguồn: Vietq.vn

Tin mới