Nâng cao năng lực quản trị sản xuất

Theo quy luật vận động của chuỗi giá trị: (T) Tiền -> (H) Hàng/Dịch vụ -> (H)’-> (T)’, với nỗ lực sao cho (T)’ > (T), thì hoạt động sản xuất là hoạt động tạo ra giá trị thặng dư ΔT = (T)’ – (T) cho doanh nghiệp. Giá trị thặng dư càng lớn thì khả năng tạo ra lợi nhuận càng nhiều. Vì vậy, trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, việc nâng cao năng lực quản trị sản xuất (QTSX) là yếu tố then chốt mang lại thành công cho doanh nghiệp.

Mục tiêu của QTSX và các biện pháp

Các yếu tố của quá trình sản xuất bao gồm: đầu vào (nguyên vật liệu, nhiên liệu…); quy trình sản xuất bao gồm con người và công nghệ; và đầu ra có thành phẩm và cả sản phẩm hỏng. Do đó, mục tiêu của QTSX chính là tối đa hóa giá trị thặng dư bằng cách tối ưu hóa sản xuất để gia tăng thành phẩm, hạn chế sản phẩm hỏng đến mức tối thiểu để tối đa hóa lợi nhuận.

Từ các yếu tố cấu thành quá trình sản xuất, có thể xác định các biện pháp nhằm đạt mục tiêu tạo được nhiều sản phẩm tốt ở đầu ra:

Tận dụng nguồn lực tối đa

– Rút ngắn thời gian sản xuất thông qua việc tối ưu hóa quy trình sản xuất: loại bỏ các hoạt động dư thừa; giảm thiếu thời gian ngừng máy (breakdown time), tình trạng “thắt cổ chai” (bottle-neck); rút ngắn thời gian chạy thử (setup), thời gian làm sạch (clean up) bằng cách sắp xếp các đơn hàng hợp lý; chuẩn bị các nguồn lực sẵn sàng: dự trữ bán thành phẩm (WIP) tại chuyền; áp dụng công nghệ tự động.

– Sắp xếp ca làm việc hợp lý: làm việc 3 ca; tăng ca.

Giảm thiểu sản phẩm hỏng

Để giảm thiểu sản phẩm hỏng cần tăng mức độ thành thạo của nhân viên thông qua việc đào tạo đội ngũ; tăng chất lượng của nguyên liệu và thiết bị; áp dụng công nghệ mới.

Ổn định nguồn cung với việc tính toán nhu cầu đầy đủ, đồng bộ (MRP: hoạch định nguồn cung); lựa chọn nguồn cung ổn định, chất lượng, giá cả hợp lý; có chính sách dự trữ, có mức tồn kho an toàn (EOQ).

Máy móc thiết bị sẵn sàng

Cần xây dựng kế hoạch bảo trì máy móc thiết bị, thợ kỹ thuật lành nghề; lựa chọn nguồn cung phụ tùng ổn định, chất lượng, giá cả hợp lý.

Cải tiến liên tục (kaizen) với việc thu thập số liệu đầy đủ; phân tích và rút kinh nghiệm; nâng cao trình độ đội ngũ quản lý…

Các công cụ được sử dụng trong QTSX bao gồm ISO; Lean (5S, Kaizen, Kaban); MRP, MRP2; ERP; phân tích dữ liệu; truy nguyên nguồn gốc.

Ví dụ QTSX trong ngành may

Ngành may tại Việt Nam với đặc điểm may gia công thường theo quy trình như hình vẽ.

Vấn đề mà hầu hết các công ty may gặp phải là cần trả lời nhanh hai câu hỏi lớn: (1) Có tiếp nhận đơn hàng mới hay không? (2) Lợi nhuận bao nhiêu nếu công ty nhận đơn hàng mới?

Một số khó khăn đặc thù của các doanh nghiệp ngành may như:

– Tính toán nhu cầu vật tư cho một đơn hàng với những yếu tố phức tạp: nhiều màu, nhiều kích cỡ; nhiều quy cách đóng gói (assort, solid, mixed mode); cách thức phối nguyên phụ liệu.

– Xác định thời gian đồng bộ nguyên phụ liệu gồm vải, phụ liệu, nhãn, nút, bao bì…

– Tính lương sản phẩm, tính giá thành sản phẩm.

QTSX trong ngành may ứng dụng các công cụ: 5S trong quản lý phân xưởng, cải tiến quy trình làm việc (kaizen). Đặc biệt, việc trang bị hệ thống ERP hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp trong việc lập kế hoạch sản xuất: mô phỏng kế hoạch và các nguồn lực (tăng ca, tăng chuyền, tăng/giảm nhân công…); cân đối nhanh nhu cầu nguyên phụ liệu cho một đơn hàng; tính toán được ngày đồng bộ nguyên phụ liệu; ghi nhận và tổng hợp nhanh nhóng thông tin từ nhiều nguồn: kinh doanh, kế hoạch sản xuất, quản lý phân xưởng, kho, kế toán, mua hàng.

Hiện có rất ít ứng dụng ERP hiệu quả cho ngành dệt may, da giày tại Việt Nam vì tính phức tạp về tổ chức sản xuất gia công và đặc thù của chuỗi cung ứng, ví dụ: SAP for fashion, SureERP. Ngoài ra, cần có sự quyết tâm rất cao của lãnh đạo doanh nghiệp cũng như ý thức liên kết dòng chảy thông tin của nhân viên vì lợi ích lâu dài của doanh nghiệp.

Nguồn: thesaigontimes.vn

Tin mới