Nâng cao năng lực cạnh tranh: Từ quản trị đến năng suất

(DĐDN) – Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, điều quan trọng là phải sử dụng cả “điểm tựa” và “đòn bẩy” từ phía DN và Chính phủ. Th.S. Nguyễn Quang Vinh – Giám đốc Văn phòng DN vì sự Phát triển Bền vững, VCCI chia sẻ với DĐDN nhân dịp Chính phủ ban hành bản Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016.

Ông Vinh cho biết, cam kết cao của Chính phủ trong việc tinh giản thủ tục hành chính, giảm thủ tục thông quan hàng hóa XNK, giảm thời gian nộp thuế, tiếp cận điện năng… cho DN thời gian qua có thể xem là một “đòn bẩy” nỗ lực của các cơ quan công quyền nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Nhưng đóng vai trò tiên quyết trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, còn cần đến “điểm tựa” nội lực của DN như: hoạch định chiến lược, năng lực quản trị, nâng cao năng suất, xây dựng thương hiệu, áp dụng khoa học công nghệ, thực hiện trách nhiệm xã hội (TNXH) DN…

– Như vậy, nhìn một cách tổng thể hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cần phải là một chiến lược kết hợp ở cấp quốc gia và cấp DN. Nghĩa là, bên cạnh sự nỗ lực của Nhà nước còn cần phát huy nội lực của cộng đồng DN và từng DN, thưa ông?

Đúng vậy! Kể từ bản Nghị quyết 19 năm 2014, có thể nói những “trái ngọt” ở thấp chúng ta đã gặt hái mà chưa cần phải mất nhiều chi phí, chẳng hạn như giảm giờ nộp thuế từ 812 xuống còn 121 giờ, thông quan hải quan từ 23 – 24 ngày xuống còn 13 -14 ngày… để tiến tới mục tiêu ngang bằng ASEAN – 6. Điều quan trọng là, chúng ta đã tạo ra đà để tiếp tục cải cách. Nhưng vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước, bởi các quốc gia trong khu vực như: Myanmar, Lào, Campuchia… cũng đang đẩy mạnh cải cách. Tôi nhấn mạnh, các DN VN phải có năng lực quản trị tốt, có khả năng vạch định chiến lược kinh doanh hiệu quả, năng suất cao… thì họ mới thắng được trong bối cảnh hội nhập, nhất là khi thời điểm chúng ta tham gia vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN đang đến gần.

Việc ban hành bản Nghị quyết 19 năm 2015 cho thấy Chính phủ kiên quyết tiếp tục đẩy mạnh những biện pháp cải cách thể chế, tinh giản thủ tục hành chính,cải thiện môi trường kinh doanh. Nhưng chúng ta cũng phải cân nhắc đưa ra tiêu chí như thế nào, có cần thiết phải đưa ra ASEAN – 6 nữa không hay bắt đầu phải đưa ra chuẩn ASEAN – 4 để tăng thêm quyết tâm cải cách?

Năng suất được xem là một điểm yếu của DNVN, đặc biệt là vấn đề năng suất lao động. Năm 2015 được xem là năm vì DN, Chính phủ tạo mọi điều kiện để DN phát triển, đòi hỏi các DN phải nỗ lực không ngừng. Nhưng DN phải làm gì để cải thiện năng suất, nâng cao nội lực của mình?

Có thể nói, năng suất được xem là một điểm yếu của DNVN, đặc biệt là vấn đề năng suất lao động. Đương nhiên năng suất của DN còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa, như quản trị, áp dụng khoa học công nghệ, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn… Một điểm yếu nữa là khả năng hoạch định chiến lược và chiến lược cạnh tranh của các DN còn hạn chế, trong khi các thương hiệu ngoại bắt đầu xâm nhập ào ạt vào VN. Số lượng DNVN có thể cạnh tranh hiệu quả ở cả thị trường trong nước lẫn nước ngoài là khá nhỏ, có thể điểm danh một số DN tiêu biểu như: Hoàng Anh Gia Lai, Viettel, Saigontourist, Bitis, TBS, Ecofarm…

Về việc thực hiện TNXH, trong khi các DN lớn, DN đa quốc gia đã thẩm thấu và đưa ra những giải pháp kinh doanh vừa tốt cho DN và xã hội thì các DNVN trong đó phần lớn là DNNVV vẫn đang loay hoay ở những bước đầu tiên trên con đường thực hiện TNXH. Nhiều DN sa đà vào những hoạt động từ thiện, quyên góp… không thể hiện đúng tinh thần của TNXHDN.

– Xin cảm ơn ông!

Việc thực hiện Nghị quyết 19 năm 2014, VCCI đã đạt những kết quả bước đầu, được Chính phủ và cộng đồng DN đánh giá cao. Vào tháng 4 sắp tới, Chủ tịch VCCI sẽ trình Chính phủ chương trình hành động của VCCI thực hiện Nghị quyết 19 năm 2015. Đây là một chương trình quan trọng, khẳng định quyết tâm của VCCI và cộng đồng DN thực hiện theo tinh thần Nghị quyết. Cụ thể, VCCI sẽ tham gia vào cả “đòn bẩy” và “điểm tựa”, đó là cùng với Chính phủ thực hiện chương trình Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, hợp tác với cơ quan thuế, hải quan tổ chức các đối thoại đểtháo gỡ khó khăn cho DN… VCCI cũng sẽ phối hợp với các Bộ: Nội vụ, Tư pháp… xây dựng tiêu chí, đánh giá cải cách thủ tục hành chính của các Bộ, cơ quan, địa phương, tiếp tục nghiên cứu xếp hạng tín nhiệm của cộng đồng DN đối với các Bộ, ngành và các địa phương. Về phương diện “điểm tựa”, VCCI sẽ phối hợp với các đối tác trong nước và nước ngoài xây dựng và đẩy mạnh các chương trình nâng cao năng lưc cạnh tranh, hội nhập quốc tế và kinh doanh bền vững cho DN trong đó có những chương trình quan trọng như: chương trình nâng cao năng suất cho các DN, hỗ trợ DN sản xuất sạch hơn, thực hiện TNXH và kinh doanh bền vững ,chương trình nâng cao năng lực cho các hiệp hội DN, chương trình nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực…

“Điểm tựa” và “Đòn bẩy” này là hai yếu tố không thể tách rời trong nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh. Tôi tin rằng kết hợp tốt hai yếu tố này sẽ tạo ra cú hích mới cho tăng trưởng, tạo xung lực cho sự phát triển của nền kinh tế VN trong năm 2015 và những năm tiếp theo.

Tin mới