Từ năm 2017-2020, ngành dệt may phấn đấu đạt vị trí thứ ba trên thế giới. Vì vậy, nhu cầu nguồn lao động chất lượng cao để có thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới sáng tạo cũng như nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tại các doanh nghiệp (DN) đang tăng nhanh.
Đổi mới cùng doanh nghiệp
Theo ông Mai Văn Thiên – Phó Trưởng ban Quản lý nguồn nhân lực (Tập đoàn Dệt may Việt Nam)- nhu cầu tuyển dụng nhân lực của tập đoàn rất lớn vì tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước tập đoàn đã và đang đầu tư xây dựng các nhà máy lớn, thu hút hàng ngàn lao động. Trong khi đó, để tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm các DN cần tuyển dụng lao động có chất lượng cao, có thể tiếp cận công nghệ với nền quản trị sản xuất hiện đại.
Nắm bắt xu thế đó, Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội đã triển khai mạnh mẽ công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trường đã đưa mô hình sản xuất tinh gọn LEAN, mô hình quản trị đúng lúc JIT, hệ thống đánh giá DN theo tiêu chuẩn quốc tế, hệ thống quản lý chất lượng ISO… vào chương trình giảng dạy.
Công nghệ 4.0 cũng được trường đưa vào quá trình đào tạo thông qua việc đầu tư thiết bị, công nghệ và thiết kế chương trình đào tạo liên quan đến các giải pháp về thiết bị tự động như hệ thống thiết kế 3D, hệ thống thiết kế mẫu mỏng, thiết bị may tự động… Trường cũng hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn lớn về công nghệ như Brother, Juki, Beckert… để tiếp cận và đưa vào quá trình đào tạo những công nghệ mới nhất.
Mỗi năm, nhà trường có 2.000 sinh viên chính quy tốt nghiệp và khoảng 2.000 học viên các khóa đào tạo cập nhật kiến thức mới. Ngoài ra, còn một số khóa học đào tạo giám đốc nhà máy, cán bộ quản lý chất lượng, cán bộ quản lý mặt hàng (merchandiser)và đào tạo thiết kế mẫu mỏng trên máy tính… Đồng thời, trường cũng phát triển các dịch vụ như: Xây dựng mô hình sản xuất tinh gọn LEAN; tư vấn xây dựng chiến lược nguồn nhân lực; đánh giá nhân sự trong doanh nghiệp dệt may…
Nâng cao chất lượng đào tạo
Nhằm giúp các DN nâng cao sức cạnh tranh thông qua 3 công cụ: Nâng cao năng suất lao động; thời trang hóa ngành dệt may; nâng cao chất lượng sản phẩm. Thời gian qua, trường đã có nhiều đổi mới trong công tác đào tạo.
Cụ thể, ở chương trình đào tạo chỉ có 30 – 40% thời lượng học lý thuyết, 60 – 70% thời lượng học thực hành tư duy và thực hành kỹ thuật. Bồi dưỡng để đội ngũ giảng viên vừa có trình độ học vị cao, vừa có kinh nghiệm công tác tại DN từ 2 – 5 năm; tiếp tục đổi mới trang thiết bị trong 200 phòng học thực hành, thí nghiệm, lý thuyết để sinh viên có điều kiện tiếp cận với công nghệ 4.0 ngay trong quá trình đào tạo…
Để đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, trường đã phối hợp với IIG Việt Nam tổ chức đào tạo tiếng Anh theo chuẩn quốc tế cho sinh viên. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ đạt chuẩn quốc tế TOEIC 400 đối với trình độ đại học và 300 đối với trình độ cao đẳng.
Nguồn: baocongthuong.com.vn