Hiện năng suất lao động của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam còn ở mức khá thấp so với một số nước trong khu vực. Điều này đã làm giảm lợi thế cạnh tranh của dệt may Việt Nam. Việc nâng cao năng lực quản lý, chất lượng nguồn nhân lực sẽ góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đã và đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội – cho biết: “Nguyên nhân chính khiến năng suất lao động chưa cao là do trình độ quản lý, trình độ người lao động còn thấp cộng với thiết bị công nghệ của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, nhất là lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm lạc hậu hơn các nước trong khu vực. Vì vậy, các doanh nghiệp phải lập tức bắt tay vào cải thiện năng suất lao động để tăng cường năng lực cạnh tranh và việc này phải được thực hiện ngay từ khâu đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Dệt may”.
Còn ông Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam – cho rằng, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp là do quản trị doanh nghiệp chưa tốt, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Người lao động làm việc tại doanh nghiệp trong nước có năng suất thấp nhưng làm ở doanh nghiệp nước ngoài lại được đánh giá rất tốt. Điều này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam có vấn đề về đào tạo, đãi ngộ, lương bổng, môi trường làm việc, trình độ quản lý…
Ở góc độ là một chuyên gia về tư vấn và đào tạo nhân lực, tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp cho rằng, doanh nghiệp cần thiết phải cơ cấu, bố trí sản xuất một cách khoa học và có những cải tiến về công nghệ, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp cũng như tăng cường đào tạo kỹ năng cho người lao động. Hiện đa số các doanh nghiệp dệt may đang thiếu nguồn nhân lực thiết kế thời trang công nghiệp, thiết kế mẫu dập, phát triển sản phẩm mẫu, quản lý đơn hàng (Merchandiser) cũng như kỹ sư sợi, dệt, nhuộm – đây được xem là mắt xích quan trọng trong việc kết nối các nhà sản xuất Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm dệt may. Nắm bắt được điều đó, những năm qua, Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội luôn là địa chỉ uy tín về đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp dệt may trong cả nước.
Theo đó, nhà trường đã chú trọng đào tạo nguồn nhân lực dệt may chất lượng cao phục vụ cho công tác hội nhập của các doanh nghiệp như: Nhà thiết kế thời trang công nghiệp; cán bộ quản lý đơn hàng; giám đốc doanh nghiệp dệt may; cán bộ quản trị chất lượng trong doanh nghiệp dệt may; nhân lực marketing cho thị trường quốc tế; nhân lực triển khai sản xuất tinh gọn LEAN, giám đốc sản xuất, tổ trưởng sản xuất… cho các doanh nghiệp may công nghiệp theo chuẩn quốc tế, giúp các doanh nghiệp dệt may triển khai thành công phương thức sản xuất ODM và FOB. Để đáp ứng được yêu cầu về chất lượng đào tạo, đội ngũ giảng viên của nhà trường vừa phải có trình độ thạc sỹ trở lên, vừa phải có kinh nghiệm tham gia sản xuất tại doanh nghiệp tối thiểu từ 2-5 năm. Bên cạnh đó, kết cấu chương trình đào tạo của nhà trường cũng chú trọng đến các kỹ năng quan trọng về sử dụng tiếng Anh chuyên ngành Dệt may, kỹ năng thực hành thao tác và kỹ năng tư duy nhằm giải quyết các vấn đề phức tạp về kỹ thuật, quản trị, thị trường trong phương thức sản xuất ODM, FOB. Nhưng để tăng năng suất lao động, trước hết doanh nghiệp phải tự nâng cao khả năng quản lý. Nhiều doanh nghiệp dệt may đã tạo thêm giá trị gia tăng, nâng cao năng suất lao động thông qua thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp như: Tổng công ty May Nhà Bè, Tổng công ty May Việt Tiến, Tổng công ty May 10, Tổng công ty Đức Giang, Tổng công ty Dệt May Hòa Thọ…Việc nâng cao năng lực quản lý bước đầu đã tăng năng suất lên tới 20-30%.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, thay đổi quản trị được xem là yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp. Trong đó, tối ưu hóa sản xuất để nâng cao năng suất lao động là yêu cầu hàng đầu. Tuy nhiên bên cạnh các giải pháp trên thì doanh nghiệp cần áp dụng nhiều công nghệ hiện đại, tiên tiến khác, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để triệt tiêu lãng phí trong quá trình sản xuất, đạt hiệu quả hơn.