Nam Định tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ

Ngành công nghiệp sản xuất đang phát triển rất nhanh chóng nhờ sự dẫn dắt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và cùng các loại công nghệ hiện đại, điều này đang có tác động rất lớn đến nền kinh tế nói chung và hoạt động của doanh nghiệp nói riêng. Cũng chính vì vậy đổi mới sáng tạo đã trở thành một xu hướng tất yếu của ngành công nghiệp sản xuất, đồng thời cũng là công cụ giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển trong một môi trường biến động nhanh, linh hoạt và có tính cạnh tranh cao.

Trên địa bàn tỉnh Nam Định, hiện nay hầu hết doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực nhiều mặt còn hạn chế nên chậm đổi mới kỹ thuật công nghệ không đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Năm 2019, thực hiện Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa tại các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực của tỉnh”, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định đã hỗ trợ 41 đơn vị áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO; 15 đơn vị áp dụng công cụ quản lý (LEAN, Kaizen, 5S…); 7 đơn vị áp dụng hệ thống quản lý chất lượng VietGAP và  hỗ trợ một số đơn vị đạt Giải thưởng Chất lượng quốc gia… Trong đó kể đến, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nam Dược đã đạt giải thưởng Chất lượng châu Á Thái Bình Dương.

Dưới sự hỗ trợ và giúp đỡ của các cơ quan ban ngành, nhiều doanh nghiệp của tỉnh đã mạnh dạn đổi mới công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Điều này đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, nhờ thế giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động địa phương. Nhờ thế mà một số doanh nghiệp ngành dệt may như Công ty Cổ phần Dệt may Sơn Nam, Công ty Cổ phần May Sông Hồng … đã vươn lên trở thành những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành dệt may cả nước.

Tuy nhiên, việc đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp trong tỉnh hiện nay vẫn gặp không ít khó khăn. Hầu hết doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có đủ tiềm lực kinh tế, trình độ và năng lực hoạch định phương án đổi mới công nghệ phù hợp với lộ trình phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp ngại đổi mới công nghệ do doanh thu vẫn nằm trong vòng kiểm soát, vẫn đem lại lợi nhuận nên chưa thấy được vai trò của việc đổi mới công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, thị trường khoa học công nghệ ở địa phương chậm phát triển nên doanh nghiệp không có nhiều sự lựa chọn cũng như chưa tạo áp lực cạnh tranh buộc doanh nghiệp phải quan tâm đầu tư cho khoa học công nghệ.

Thời gian tới, tỉnh Nam Định trước mắt sẽ tập trung xây dựng chính sách, các quy định, lộ trình thúc đẩy đổi mới công nghệ; xây dựng các cơ sở hạ tầng quan trọng phục vụ đổi mới công nghệ; triển khai các chương trình hoạt động hỗ trợ ứng dụng tạo đòn bẩy xúc tiến thúc đẩy đổi mới công nghệ của tỉnh. Tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển mạnh thị trường khoa học công nghệ, thúc đẩy nghiên cứu sáng tạo các giải pháp cải tiến, ứng dụng giúp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tập trung đổi mới công nghệ đúng quan điểm chung của tỉnh, gắn liền các lĩnh vực, ngành nghề trọng tâm của tỉnh và mục tiêu bảo vệ, cải thiện môi trường sinh thái, phát triển bền vững.

Văn phòng NSCL tổng hợp

Tin mới