Muốn tăng năng suất thì phải làm tốt trách nhiệm xã hội doanh nghiệp

Năng suất lao động hiện vẫn đang là mặt hạn chế của các doanh nghiệp Việt. Do đó, trong khảo sát của Bảng xếp hạng BP500 – 500 Doanh nghiệp Việt Nam thịnh vượng năm 2018 do Vietnam Report thực hiện vừa được công bố, tăng năng suất là chiến lược được doanh nghiệp đẩy lên đứng thứ 2 trong Top 3 chiến lược hàng đầu (với gần 60% phản hồi), vượt qua mục tiêu “Cắt giảm chi phí của doanh nghiệp” như trong năm 2016.

Có thể thấy, doanh nghiệp đã ngày càng khẳng định tầm quan trọng của việc tăng năng suất trong quá trình hoạt động. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tiếp tục nhấn mạnh vai trò của tăng trưởng doanh thu/lợi nhuận như một nhiệm vụ chiến lược giúp doanh nghiệp tiến gần hơn đến sự thịnh vượng.

Một trong những giải pháp quan trọng nhất mà các chuyên gia cùng doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report đồng thuận trong việc thúc đẩy tăng trưởng năng suất, tạo đà cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng là đẩy mạnh nhận thức toàn diện về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR) và hướng tới phát triển công nghệ. Đây chính là mục tiêu các doanh nghiệp đưa ra trong thời gian tới nhằm kết hợp giữa lực lượng lao động và công nghệ để đạt những hiệu quả tối ưu. 62,9 % doanh nghiệp nhận định đang thực hiện tự động hóa một số chức năng nhất định trong doanh nghiệp, 48,6% khẳng định đào tạo lực lượng lao động về cách thức sử dụng dữ liệu.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp muốn phát triển bền vững không những cần đạt mục tiêu về năng suất, tăng trưởng mà còn cần thực hiện đúng các quy định, chuẩn mực về bảo vệ môi trường, an toàn lao động, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động… Có thể nói, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay như một thứ tài sản đảm bảo, một sự cam kết về chất lượng sản phẩm đối với người tiêu dùng. Gần 90% doanh nghiệp tham gia khảo sát nhận định uy tín doanh nghiệp là động lực thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện các hoạt động CSR. Nói cách khác, chính trách nhiệm xã hội sẽ là bậc thang để doanh nghiệp thuyết phục niềm tin của người tiêu dùng và của cả cộng đồng.

Triển khai tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không những sẽ giúp cho doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, mà còn hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết những vấn đề mang tính chiến lược liên quan đến kinh doanh và các vấn đề xã hội.

Những doanh nghiệp tham gia khảo sát cũng cho biết, vấn đề thực hiện CSR tại Việt Nam hiện nay còn gặp một số khó khăn nhất định, trong đó nổi bật là 3 thách thức chính: đó là nhận thức về CSR mới dừng lại ở các hoạt động tài trợ; thiếu những chính sách khuyến khích, hỗ trợ từ phía Chính phủ; và đánh giá từ chính doanh nghiệp là các hoạt động CSR không đem lại lợi ích cho doanh nghiệp.

Trên thực tế, đứng trước ngưỡng cửa hội nhập toàn diện, việc tuân thủ những cam kết về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp dường như chưa được thúc đẩy và quan tâm đúng mức. Thời gian qua, vẫn còn nhiều báo cáo về những hành vi gian lận, tham nhũng trong kinh doanh hay những sai phạm trong báo cáo tài chính, không đảm bảo an toàn lao động, gây ô nhiễm môi trường… Thực hiện trách nhiệm xã hội không nên chỉ đơn thuần là những hoạt động quảng bá, từ thiện mà còn phải xuất phát từ ý thức bảo vệ môi trường, đảm bảo cuộc sống của người lao động, tuân thủ luật pháp của doanh nghiệp. Đồng thời, thực hiện trách nhiệm xã hội không chỉ mang tính chất tài trợ riêng lẻ, mà phải đòi hỏi sự liên tục, cam kết lâu dài và xuyên suốt trong quá trình hoạt động, trong phương hướng và trong tầm nhìn của doanh nghiệp.

Khảo sát cho rằng, để doanh nghiệp có thể thực hiện các trách nhiệm đối với xã hội một cách toàn diện và bài bản hơn, Nhà nước cũng là nhân tố không thể thiếu, đứng ra làm cầu nối giữa doanh nghiệp và xã hội thông qua các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.

Nguồn: vccinews.vn

Tin mới