Bài tham luận của ông Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng phòng Thanh tra chính sách Bảo hiểm xã hội(Bộ LĐ – TB & XH)
Năng suất lao động (NSLĐ) là chỉ tiêu đo lường số lượng sản phẩm hoặc giá trị sản phẩm mà một người lao động thực hiện trong một đơn vị thời gian (giờ, ngày, tháng…). NSLĐ là yếu tố quyết định đến mức thu nhập và mức sống của người lao động.
Thực tế hiện nay, năng suất lao động của Việt Nam rất thấp chỉ bằng 1/18 năng suất lao động của Singapore, bằng 1/6,5 Malaysia, 1/3 Thái Lan và Trung Quốc. Trong khu vực ASEAN, hiện tại năng suất lao động Việt Nam chỉ cao hơn Myanmar, Camphuchia và đang xấp xỉ với Lào. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin trình bày một số nhân tố ảnh hưởng đến Năng suất lao động của Việt Nam, trong đó tập trung vào hai yếu tố quan trọng đó là cơ cấu lao động và kỹ năng lao động.
I. Những nhân tố ảnh hưởng đến Năng suất lao động
Những nhân tố ảnh hưởng đến Năng suất lao động, theo giáo trình giảng dạy của Trường Đại học kinh tế quốc dân bao gồm: các nhân tố về con người; về tổ chức lao động và môi trường
1. Các nhân tố gắn với bản thân người lao động – Trình độ văn hoá; – Trình độ chuyên môn; – Tình trạng sức khoẻ; – Thái độ lao động ; – Kỷ luật lao động; – Cường độ lao động; – Tinh thần trách nhiệm; – Sự gắn bó với doanh nghiệp;
2. Các nhân tố gắn với tổ chức lao động – Phân công lao động; – Tiền lương, tiền thưởng ; – Tổ chức phục vụ nơi làm việc; – Thái độ cư xử của người lãnh đạo. – Bầu không khí làm việc của tập thể
3. Các yếu tố thuộc về môi trường lao động – Môi trường tự nhiên – Điều kiện lao động
Trong các nhân tố kể trên, chất lượng nguồn nhân lực và tác phong, ý thức làm việc của người lao động có tác động mạnh nhất đến năng suất lao động, vì việc kết hợp người lao động với tư liệu sản xuất và đối tượng lao động để tạo ra sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Trình độ lành nghề và tác phong, ý thức làm việc của người lao động được thể hiện ra khi họ sử dụng các công cụ sản xuất thành thạo, đáp ứng những yêu cầu về số lượng, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có tính chuyên nghiệp cao. Người lao động có trình độ nghề nghiệp, không những cần có kỹ năng lao động mà còn phải có sáng tạo trong quá trình sản xuất, kết hợp với tác phong, ý thức làm việc thì mới đẩy mạnh năng suất lao động. Thực tế cho thấy chỉ khi nào người lao động, người quản lý có kiến thức và trình độ nghề nghiệp thì mới tiếp cận, nhanh chóng tiếp thu, vận dụng sáng tạo những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại vào việc làm ra sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có chất lượng, năng suất cao.
Gắn liền với người lao động để tăng năng suất lao động là công cụ sản xuất, máy móc thiết bị có công nghệ, kỹ thuật ngày càng cao; công cụ sản xuất, máy móc thiết bị hiện đại cùng với quy trình sản xuất và quản lý tiên tiến làm giảm bớt những chi phí trung gian. Khoa học, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, phải luôn gắn liền với tổ chức bộ máy quản lý, điều hành hợp lý có trình độ cao; quá trình hợp lý hóa sản xuất sẽ thúc đẩy sản xuất, thúc đẩy người lao động làm việc hiệu quả hơn.
II. Thực trạng Năng suất lao động ở Việt Nam những năm gần đây.
Năng suất lao động là một trong những thước đo năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo tính toán của các tổ chức quốc tế, năng suất lao động của Việt Nam bằng 1/18 năng suất lao động của Singapore, bằng 1/6 Malaysia, 1/3 Thái Lan và Trung Quốc. Có rất nhiều ý kiến lý giải nguyên nhân năng suất lao động Việt Nam thấp. Trong đó có hai nhân tố cơ bản làm năng suất lao động ở Việt nam thấp, đó là về cơ cấu lao động và kỹ năng lao động.
1. Xu hướng năng suất lao động và cơ cấu lao động chia theo ngành (Nguồn số liệu : Niên giám thống kê và Viện Khoa học Lao động – Xã hội).
Hiện nay, ở Việt Nam Nông nghiệp là ngành có lao động chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng việc làm với 46.8% (2013), tuy nhiên năng suất lao động của ngành này ở mức rất thấp. Năng suất lao động ngành nông nghiệp ước tính chỉ bằng 1/4,5 năng suất ngành công nghiệp và khoảng 1/3,4 năng suất ngành dịch vụ. Năng suất thấp cho thấy hiệu quả của việc sử dụng lao động còn thấp, chưa có nhiều áp dụng khoa học công nghệ. Tuy có mức năng suất lao động thấp nhất, tốc độ tăng năng suất lao động của ngành nông lâm ngư nghiệp khá ổn định là 2,8%/năm, cao nhất trong 3 nhóm ngành.
Công nghiệp là nhóm ngành có năng suất lao động cao nhất trong 3 nhóm ngành với tỷ trọng lao động chiếm 21,2% tổng việc làm năm 2013. Tốc độ tăng năng suất của nhóm ngành này không ổn định, giảm trong 3 năm 2007-2010, phục hồi mạnh trong 2010-2013. Trong cả giai đoạn 2007-2013, năng suất lao động nhóm ngành này có tốc độ tăng chậm nhất, chỉ 1,44%/năm.
Dịch vụ là nhóm ngành có tỷ trọng lao động tăng đều qua các năm và đến 2013 đạt 32% tổng việc làm. Tốc độ tăng năng suất của nhóm khá ổn định ở mức 2%/năm.
2. Nếu chia theo thành phần kinh tế:
Khu vực ngoài nhà nước chiếm 86.3% tổng việc làm là khu vực có năng suất lao động rất thấp bằng 56% năng suất lao động chung (chỉ đạt 38,4 triệu/lao động vào năm 2013). Trong khi đó khu vực nhà nước chiếm 10.2% việc làm của nền kinh tế có năng suất lao động 2013 đạt 216.5 triệu đồng/người/năm, bằng 3,1 lần năng suất lao động chung. Khu vực có năng suất lao động cao nhất là khu vực đầu tư nước ngoài đạt 392,4 triệu đồng/người/năm, bằng 5,7 lần năng suất lao động chung nhưng lao động khu vực này chỉ bao phủ 3.4% lao động có việc làm cả nước. Nhìn chung các thành phần sở hữu đều có tốc độ tăng năng suất lao động ổn định ở mức 3-4%/năm.
Theo số liệu của các tổ chức quốc tế, năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 bằng 1/18 năng suất lao động của Singapore, bằng 1/6,5 so sánh với Malaysia, 1/3 Thái Lan và Trung Quốc. Trong khu vực ASEAN, hiện tại năng suất lao động Việt Nam chỉ cao hơn Myanmar, Campuchia và đang xấp xỉ với Lào.
Trong những năm qua, nền kinh tế Việt Nam duy trì khá ổn định cơ cấu kinh tế với 18-20% GDP thuộc về khu vực nông nghiệp, công nghiệp-xây dựng đóng góp khoảng trên 38% và phần còn lại từ 42-44% do dịch vụ mang lại. Tuy nhiên, cơ cấu lao động không hợp lý khi tỷ trọng lao động ngành nông nghiệp (ngành đóng góp thấp nhất vào GDP) chiếm đến 46,8% tổng việc làm; khu vực công nghiệp và xây dựng chỉ chiếm tỷ trọng lần lượt là 21,2% và 32%. Bảng 1. Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo ngành (%) 200 2010 2013 Cơ cấu kinh tế (%) Chung 100 100 100 Nông nghiệp 20.32 18.89 17.57 Công nghiệp 38.31 38.23 38.57 Dịch vụ 41.37 42.88 43.86 Cơ cấu lao động (%) Chung 100 100 100 Nông nghiệp 52.94 49.50 46.81 Công nghiệp 18.95 20.95 21.18 Dịch vụ 28.12 29.55 32.00 Nguồn:Tính toán từ GSO, Niên giám thống kê.
Thay đổi mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, hiệu quả và tận dụng tốt nhất những lợi thế của đất nước đòi hỏi phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động. Tuy nhiên trong giai đoạn 2007-2013, cơ cấu lao động vẫn chuyển dịch rất chậm chạp. Lao động trong khu vực năng suất thấp vẫn chiếm tỷ trọng lớn khiến năng suất lao động chung của Việt Nam thấp và nguy cơ tụt hậu tiếp tục gia tăng so với các nước trong khu vực.
3. Năng suất lao động với kỹ năng lao động
Trong thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến sự phát triển của đất nước và sự sống còn của các doanh nghiệp. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có lực lượng lao động dồi dào. Năm 2013, dân số từ 15 tuổi trở lên 69,3 triệu người, lực lượng lao động cả nước đạt 53,7 triệu, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động chiếm đến 77,5%.
Mặc dù có số lượng lao động lớn nhưng chất lượng lao động thấp. Theo số liệu của Điều tra Lao động-Việc làm, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Việt Nam khá thấp và không có nhiều cải thiện. Nếu vào năm 2007, tỷ lệ qua đào tạo của lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên chỉ đạt 17.4% thì vào năm 2013, con số này cũng không cải thiện nhiều với tỷ lệ 18,4%. Sự chênh lệch về chất lượng nguồn lao động được thể hiện rõ nhất là ở khu vực nông thôn và thành thị. Ở thành thị lao động đã được đào tạo chiếm 30,9%, trong khi ở nông thôn chỉ có 9%.Đây chính là một rào cản lớn cho việc cải thiện năng suất lao động.
Một vấn đề quan trọng là, đào tạo nguồn nhân lực ở Việt nam chưa gắn kết với nhu cầu của thị trường cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng. Rất nhiều doanh nghiệp phản ánh học sinh, sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.Năm 2012, Ngân hàng Thế giới công bố kết quả khảo sát về mức độ đáp ứng các kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp đại học so với yêu cầu của nhà tuyển dụng tại 7 quốc gia Đông Á trong đó có Việt nam thì thái độ làm việc được đánh giá ở mức thiếu hụt nghiêm trọng, các kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng công nghệ thông tin, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng giải quyết vấn đề thiếu hụt lớn. Báo cáo Phát triển Việt Nam 2014 viết “Phần lớn người sử dụng lao động nói rằng tuyển dụng lao động là công việc khó khăn vì các ứng viên không có kỹ năng phù hợp (“thiếu kỹ năng”) hoặc vì sự khan hiếm người lao động trong một số ngành nghề (“thiếu hụt người lao động có tay nghề”)”.Khảo sát của ILSSA- Manpower năm 2013 cũng cho thấy tình hình tương tự, gần 30% doanh nghiệp FDI gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động trực tiếp và nhân viên văn phòng; ý thức về chất lượng và đúng giờ/đáng tin cậy là những kỹ năng thiếu hụt lớn nhất, với khoảng 30%, trong nhóm lao động trực tiếp và quản đốc phân xưởng; những kỹ năng thiếu hụt tiếp theo là khả năng thích nghi với những thay đổi, khả năng làm việc nhóm, khả năng nhận biết tiếp thu và ứng dụng công nghệ mới, kỹ năng máy tính cơ bản. Điều này phản ánh một thực tế là chất lượng đào tạo ở nước ta thấp, lao động ở Việt Nam đang làm việc tại những vị trí đòi hỏi trình độ đào tạo cao hơn hoặc thậm chí thấp hơn so với những kỹ năng đang có (thừa hoặc thiếu kỹ năng).
Nếu trong giai đoạn trước lao động thừa kỹ năng có tỷ lệ cao hơn ở nhóm tuổi cao (45 trở lên) và lao động thiếu kỹ năng rơi vào nhóm lao động trẻ nhiều hơn (dưới 35 tuổi) thì trong giai đoạn sau lao động trẻ dưới 25 tuổi lại là nhóm có tỷ lệ lao động thừa kỹ năng cao nhất và nhóm tuổi có tỷ lệ lao động thiếu kỹ năng cao nhất là 35-55 tuổi. Điều này phản ánh một thực tế là trong giai đoạn hiện nay mặc dù đã được đào tạo nhưng số lượng sinh viên tốt nghiệp các trường Cao đẳng, Đại học không thể tìm được công việc tương ứng và chấp nhận làm những công việc có trình độ thấp đã ngày càng tăng. Nhu cầu về việc làm có kỹ năng không được cung lao động đáp ứng khiến tỷ lệ lao động làm việc thiếu kỹ năng tăng vọt tại hầu hết các nhóm tuổi.
Các phân tích về vấn đề chênh lệch giữa cung cầu kỹ năng cho thị trường lao động ở trên đã minh chứng cho nhận định vềđào tạo chưa gắn với nhu cầu sử dụng của nền kinh tế, cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng. Nói cách khác thay đổi mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế hầu như chưa được hỗ trợ từ đào tạo nhân lực của đất nước, kỹ năng lao động đã không thể tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng suất lao động.
III. Giải pháp nâng cao năng suất lao động
Để năng suất lao động của doanh nghiệp tăng tốc hơn nữa thì theo tôi cần phải thực hiện một số giải pháp đó là:
1. Phải nâng cao nhận thức đầy đủ về vai trò năng suất lao động của doanh nghiệp đối với bộ máy quản lý, điều hành và người lao động; vì năng suất lao động là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong thời kỳ dài chứ không chỉ trong ngắn hạn và nâng cao thu nhập chính đáng của người lao động. Để làm được vấn đề này có hiệu quả thì vai trò công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên của các tổ chức Đảng là quan trọng; công tác truyền thông, tuyên truyền của các tổ chức chính trị – xã hội trong doanh nghiệp là rất cần thiết; công tác giáo dục, kết hợp với các biện pháp nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật lao động, xây dựng tác phong làm việc của người lao động là trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, các cấp trong doanh nghiệp.
2. Từ những thay đổi về nhận thức của bộ máy quản lý, điều hành và người lao động, doanh nghiệp cần phải thay đổi những chính sách về nguồn nhân lực như: chính sách, biện pháp sử dụng, quản lý nguồn nhân lực; chính sách đào tạo, tuyển dụng, thăng tiến, để người lao động có cơ hội học tập và phát triển; chính sách tiền lương phù hợp quy luật, để tiền lương thực sự là đòn bẩy kinh tế thúc đẩy tăng năng suất lao động.
3. Doanh nghiệp tự đánh giá trình độ khoa học, công nghệ và tổ chức sản xuất của mình để từ đó có giải pháp nâng cao trình độ khoa học của doanh nghiệp, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại và tổ chức sản xuất hợp lý. Việc nâng cao trình độ khoa học, áp dụng công nghệ tiên tiến vào quá trình SXKD của doanh nghiệp còn phụ thuộc vào yếu tố ngân sách của doanh nghiệp có khả năng đáp ứng được hay không, nhưng vai trò của yếu tố tổ chức sản xuất khoa học, hợp lý lại phụ thuộc nhiều vào ý chí của bộ máy quản lý, điều hành doanh nghiệp. Như vậy việc tổ chức lao động khoa học hợp lý không cần thiết phải chi phí tốn kém nhưng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, nếu người đứng đầu đơn vị, doang nghiệp quan tâm, tổ chức thực hiện.
4. Nâng cao chất lượng và đổi mới biện pháp quản lý, điều hành doanh nghiệp là yếu tố quan trọng trong nền kinh tế tri thức hiện nay. Muốn nâng cao chất lượng bộ máy quản lý, điều hành của doanh nghiệp trước hết phải đổi mới công tác tuyển dụng, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ, lựa chọn được những thành viên có đủ tài, đủ tầm và có tâm với công việc. Chú trọng việc đào tạo nâng cao năng lực lãnh đạo, chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với từng vị trí công việc. Chi phí đào tạo năng cao năng lực của bộ máy quản lý, điều hành doanh nghiệp là khoản đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế cho hiện tại và lâu dài của doanh nghiệp.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên đây, đồng thời với việc ổn định sản xuất sẽ là cơ hội đẩy mạnh năng suất lao động của doanh nghiệp, góp phần quyết định năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường, có sự định hướng của Nhà nước./.
http://bxh.laodong.com.vn/