Mía đường Lam Sơn: Nâng cao năng suất sản xuất nhờ các cải tiến tại nồi nấu đường liên tục

Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa đã nghiên cứu và áp dụng thành công giải pháp “Cải tiến nấu tráng vệ sinh nồi nấu đường liên tục B&C nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất”. Giải pháp đã mang lại hiệu quả cao trong việc nâng cao năng suất ép của nhà máy, đảm bảo tiến độ thu hoạch mía của nông dân, tăng hiệu quả thu hồi đường từ mía, đồng thời giúp tiết kiệm năng lượng, chi phí và giảm tiêu hao trong quá trình sản xuất.

Năm 2012, hệ thống nấu đường cấp B, C tại nhà máy nấu đường số 2 đã được đầu tư chuyển đổi từ nấu đường gián đoạn sang nấu đường bằng nồi liên tục. Với nồi nấu liên tục sẽ phải nấu tráng và vệ sinh nồi 1 lần sau 15-20 ngày làm việc. Sản phẩm nước sau khi nấu tráng vệ sinh nồi sẽ được tận dụng đưa lại máy lắng để thu hồi đường. Tuy nhiên, việc nấu tráng vệ sinh nồi nấu đường làm cho năng suất ép của nhà máy giảm xuống để đảm bảo cho các thiết bị khác hoạt động không bị quá tải. Thời gian nấu tráng diễn ra từ 12-16 tiếng do không có thùng chứa riêng biệt để chuẩn bị nước nóng cấp cho quá trình vệ sinh và thùng chứa nước nấu tráng sau khi vệ sinh xong. Nước nấu tráng có độ màu, độ Brix cao gây ảnh hưởng đến tính ổn định của máy lắng, thành phần đường trong nước mía hỗn hợp giảm dẫn đến tiêu hao nhiều năng lương và tổn thất đường.

Nhận định được các nhược điểm của phương án nấu tráng nồi nấu đường, Ông Nguyễn Thanh Luân – chủ nhiệm đề tài đã đưa ra các giải pháp cải tiến phương án nấu tráng nồi nấu đường. Trước tiên, Công ty lắp đặt một thùng chứa dung tích 150m3 để chứa nước nóng cung cấp cho quá trình vệ sinh nồi nấu và chứa nước nước nấu tráng sau khi vệ sinh xong; lắp đặt đường ống để cung cấp nước nóng liên tục cho quá trình vệ sinh nồi nấu đường. Nước nấu tráng sau đó sẽ được bơm đến bể pha loãng mật và cấp cho nồi nấu đường cát B và cát C thay vì dùng nước nóng như trước.

Các giải pháp cải tiến đã mang lại hiệu quả cao giúp giảm năng suất nồi nấu tráng tăng lên nhờ thời gian nấu tráng nồi xuống chỉ còn 3-4 tiếng, giảm chi phí nhân công, đảm bảo cho các máy móc khác vẫn vận hành ổn định liên tục. Nồi nấu đường liên tục được vệ sinh giúp tăng hiệu suất truyền nhiệt, nồi không bị bám cặn nên việc đường non ly tâm không tạo nên mảng cháy làm rách lưới ly tâm, nhờ đó mà Công ty đã giảm được chi phí thay lưới máy li tâm đường, tương đương giảm 5-6 bộ lưới, tiết kiệm 100 triệu đồng/1 vụ sản xuất.

Máy lắng hoạt động ổn định, năng suất tăng cao, giảm tiêu hao hơi, giúp nâng cao chất lượng nấu đường, giảm tổn thất đường qua mật rỉ từ 12 % xuống còn 9,5-10%. Tận dụng nước nấu tráng rửa nồi nấu đường để dung hồi đường B, C và pha loãng mật đã giảm được 375 tấn bã/ 1 vụ sản xuất tương đương 260 triệu đồng, giúp tiết kiệm nguồn nước cấp, giảm tiêu hao hơi để làm nước nóng. Lượng bã mía được tận dụng cho lò đốt phát điện giúp tiết kiệm tiêu hao năng lượng trong công ty và giảm phát thải khí nhà kính nhờ nguồn điện sinh khối. Tận dụng nước tráng rửa nồi nấu đường để dung hồi đường đã giúp Công ty thu hồi khoảng 117 tấn trong 1 vụ sản xuất, tương đương tiết kiệm 1,5 tỷ đồng.

Văn phòng NSCL tổng hợp

Tin mới