Masan Resources khẳng định năng lực và vị thế nhờ công nghệ

Trong những năm gần đây, Công ty CP Tài nguyên Masan (Masan Resources) là một trong những doanh nghiệp khai khoáng có tiếng vang trong nước và quốc tế bởi những ưu điểm nổi trội trong các vấn đề về khai thác, sản xuất, tinh luyện khoáng sản… Nhờ việc tập trung đầu tư áp dụng công nghệ hiện đại và từng bước làm chủ được công nghệ mà Công ty dần khẳng định được năng lực và vị thế của mình trên thị trường.

Đầu tư áp dụng công nghệ hiện đại

Từ năm 2015, Masan Resources đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm công nghệ cao. Với mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể tối đa hóa nguồn tài nguyên,Công ty đã tập trung đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, đào tạo nhân lực có đủ năng lực triển khai dây chuyền sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng, đem lại giá trị xuất khẩu cao. Năm 2017, Công ty đã đầu tư thêm hai dây chuyền công nghệ cao với số vốn trên 9 triệu USD, bao gồm: Dây chuyền tinh luyện Florit và dây chuyền thu hồi triệt để Vonfram bằng tuyển trọng lực. Đây là hai dây chuyền hiện đại nhất trên thế giới ở thời điểm này. 

Sau khi mua lại từ Công ty H.C.Starck công nghệ chế biến Vonfram/ khoáng sản khác, Masan Resources đã làm chủ được công nghệ chế biến sâu từ đối tác H.C.Starck như công nghệ chiết xuất sử dụng xút với tỷ lệ tái sử dụng hoá chất cao; công nghệ tinh chế siêu sạch sử dụng hóa chất để kết tủa tạp chất và công nghệ chiết xuất dung môi giảm thiểu nước thải ra môi trường. Tới nay, Công ty đã và đang tiếp tục cải tiến công nghệ, tiết giảm chi phí đầu vào để ngày càng hoàn thiệt công nghệ sản xuất hơn nữa.

Từng bước làm chủ công nghệ hiện đại

Trong công cuộc hội nhập toàn cầu đem đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nhưng cũng khiến doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng dụng công nghệ cao. Vào năm 2018, Công ty đã tập trung vào công tác đào tạo nội bộ nhằm xóa bỏ khoảng cách về năng lực của nhân viên. Đến nay, ở một số bộ phận sản xuất, điều hành của Công ty, lao động Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ hiện đại mà không cần tới sự trợ giúp của chuyên gia nước ngoài.

Công nghệ được áp dụng tại đây được xem là một trong những giây chuyền chế biến Vonfram tốt nhất trên thế giới. Ban đầu, sau khi mua lại công nghệ  từ Công ty H.C.Starck, tỷ lệ lao động người nước ngoài tại Công ty chiếm tới 15%, tới nay giảm xuống chỉ còn 2 người. Trình độ chuyên môn kỹ sư trong nước ngày càng được nâng cao. Họ không chỉ có khả năng vận hành nhà máy một cách thành thạo, mà còn tạo ra sản phẩm có chất lượng đồng đều, ổn định với khối lượng đạt yêu cầu đề ra. Là Giám sát viên sản xuất tại Công ty, anh Đoàn Xuân Trường có chia sẻ: “Tôi đã rất nỗ lực để tìm tòi nghiên cứu công nghệ, các quy trình quản lý mới và nỗ lực phấn đấu trong công việc để có thể cập nhật kiến thức và rèn luyện kỹ năng bản thân. Giờ đây, tôi có thể điều khiển toàn bộ khu tuyển trọng lực Vonfram một cách độc lập mà hầu như không cần tới sự giám sát của các chuyên gia nước ngoài. Tôi cũng có thể áp dụng kỹ năng lãnh đạo để giám sát nhân viên ở nhiều khâu khác nhau trong nhà máy, đồng thời báo cáo trực tiếp lên Giám sát sản xuất cao cấp người nước ngoài”. 

Song song với việc tạo cơ hội đào tạo chuyên môn cho người lao động, Công ty cũng luôn chú trọng triển khai các khóa đào tạo theo hướng giúp người lao động cải tiến phương thức tiếp cận tình huống khó trong công việc bằng cách thích ứng với các mô hình hành vi mới, nhằm tăng năng suất lao động. Khóa học điển hình cho phương thức này là Kaizen-5S (là công cụ giúp loại bỏ sự lãng phí, tối ưu hóa năng suất lao động). Phòng Nhân sự đã phối hợp với Trường Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức khóa đào tạo này cho 108 nhân viên được lựa chọn từ các bộ phận sản xuất và bảo trì cho giai đoạn 1 của chương trình. Khóa học đã giúp người lao động thay đổi tư duy truyền thống về cách tiếp cận với các tình huống khó khăn; giúp họ nhận diện được 7 loại lãng phí trong hoạt động hàng ngày… Theo đó, chương trình  Kaizen-5S đã được thực hiện ở mọi phòng, ban với sự tham gia tích cực của tất cả người lao động. Hiện chương trình đã mang lại những thay đổi tích cực trong hành vi của người lao động trong Công ty 

Nhờ đầu tư áp dụng công nghệ hiện đại, từng bước làm chủ được công nghệ mà Masan Resources đã và đang không ngừng tăng trưởng và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Công ty đã từng bước đạt được những kết quả khả quan, xác lập được nhiều kỷ lục trong sản xuất, kinh doanh. Năm 2018, doanh thu thuần của Công ty đạt 6.865 tỷ đồng, tăng khoảng 27% so với năm 2017. Dự tính năm 2020, Công ty có thể đạt doanh thu thuần lên đến 8.500 tỷ đồng. Hiện Công ty đang là nhà cung cấp các khoáng sản quan trọng như vonfram, florit và bismuth… và vận hành nhà máy sản xuất và chế biến quặng đa kim lớn nhất tại miền Bắc.

Văn phòng NSCL tổng hợp

Tin mới